Những năm gần đây, các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh dần chuyển hướng đầu tư sản xuất về khu vực nông thôn. Điều này thực sự là một tin rất vui đối với nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là phụ nữ nuôi con nhỏ, bởi giúp họ được học và làm nghề ngay tại quê hương. Tận tình, đi sâu đi sát, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình (Trung tâm) đã sớm nắm bắt được xu hướng này nên ngay từ năm 2006, mỗi năm Trung tâm đã mở từ 15 - 20 lớp dạy nghề may công nghiệp cho hàng nghìn lao động, đóng góp tích cực trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Muốn “lượng hóa” được nguồn lao động ở các địa phương cũng như nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, hàng năm, Trung tâm đều rà soát, nắm bắt và thống kê số lượng cung – cầu nguồn lao động trên địa bàn. Trong thực tế, doanh nghiệp muốn mở rộng phát triển sản xuất luôn rất cần tuyển những lao động có nghề, thạo việc, còn người lao động thì thời nào cũng thế, chỉ mong có nghề nghiệp, công ăn việc làm ổn định để sinh sống yên ổn. Vì vậy, Trung tâm từ lúc nào đã trở thành nhịp cầu nối gắn kết giữa hai bờ “cung” và “cầu”, tạo thành một vòng tròn lao động rất hiệu quả.
Nói về cái sự khó trong công tác đào tạo nghề cũng là nói đến sự năng động, nhanh nhạy của Trung tâm. Trước đây, hầu hết công nhân vào làm việc tại các cơ sở sản xuất đều là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo hoặc tay nghề chưa thông thạo. Từ khi có sự hỗ trợ thiết thực từ chính sách khuyến công của Nhà nước, với sự tận tâm, tận lực, Trung tâm đã tổ chức các khóa đào tạo nghề thiết thực, hiệu quả. Nhờ công tác tổ chức khoa học, thiết thực, lớp học cung cấp các kiến thức mới mẻ, hiện đại cho nên sau mỗi khóa học, không những học viên có thể áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mà còn có thêm nhiều người tìm được việc làm ngay tại quê hương, nâng cao thu nhập, đời sống gia đình.
Xã Đông Vinh là một trong những ví dụ tiêu biểu cho sự thành công trong vai trò “cầu nối” của Trung tâm trong việc đào tạo nghề. Ông Bùi Duy Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Vinh (Đông Hưng) chia sẻ: Tôi cho rằng điểm mới nhất và hiệu quả rõ rệt nhất là Trung tâm đã phối hợp trực tiếp với doanh nghiệp tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận nghề nhanh, bài bản hơn và có việc làm ổn định. Xã Đông Vinh về đích sớm trong việc hoàn thành tiêu chí cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới là nhờ một phần rất lớn ở Trung tâm.
Về phía doanh nghiệp cũng có những ghi nhận hết sức trân trọng. Để theo kịp công nghệ của thế giới và các đơn hàng lớn của nước ngoài, Công ty May Bình Minh đặc biệt chú trọng đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại và chất lượng đào tạo nguồn lao động để đáp ứng những đơn hàng lớn. Sau 3 lần được Trung tâm phối hợp tổ chức đào tạo cho hàng trăm lao động, đạt chất lượng cao, lành nghề, Công ty May Bình Minh đã đánh giá rất cao năng lực đào tạo nghề và xem Trung tâm là một đối tác rất có uy tín, là đối tác “ruột” của mình.
Ly nông bất ly hương không chỉ là một chủ trương hợp lòng dân ý Đảng mà còn là một phần hồn của tất cả mọi người dân quê trên dải đất hình chữ S. Chỉ cần nhìn niềm vui ánh lên từng gương mặt của họ khi họ đang say mê, miệt mài trên những chiếc máy may công nghiệp, cộng với thái độ nghiêm túc, đúng giờ trong mỗi ca làm việc là thấy được nỗi niềm ấm áp này. Cơ hội có việc làm ổn định, nâng cao đời sống ngay tại quê hương.
Lê Hằng