Năm 2010, để hoạt động khuyến công tiếp tục tỏa sáng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (KCTN) đã và đang tập trung mọi nguồn lực triển khai các hoạt động toàn diện và hiệu quả, góp phần xây dựng một nông thôn mới ở Chiến khu Việt Bắc.
Tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển
Nhận thấy, nguồn kinh phí khuyến công mang lại lợi ích thiết thực, đồng thời cũng là nguồn cổ vũ, khích lệ, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, năm 2010, KCTN đã và đang triển khai thực hiện 06 đề án mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí hỗ trợ 1.140 triệu đồng trong đó: 05 đề án khuyến công quốc gia kinh phí hỗ trợ 1.095 triệu đồng và 04 đề án KCĐP kinh phí hỗ trợ 470 triệu đồng. Cụ thể, đã hỗ trợ xây dựng một số mô hình trình diễn như mô hình kỹ thuật dây chuyền sản xuất thao cát nhựa sử dụng hệ thống gia nhiệt bằng điện của Công ty TNHH Đúc Nam Ninh. Dây chuyền có tổng mức vốn đầu tư là 4,408 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 150 triệu đồng. Với dây chuyền này, Công ty TNHH Đúc Nam Ninh nâng cao năng lực cạnh tranh mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho trên 200 lao động, đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thị xã Sông Công nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Mô hình trình diễn dây chuyền sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm của Công ty Cổ phần Nam Việt cũng được hỗ trợ 250 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2010. Đây là dây chuyền có công suất 70.000 tấn/năm, sản xuất tự động khép kín từ khâu tiếp nhận, gia công nguyên liệu đến thành phẩm và đóng gói. Với dây chuyền sản xuất này, Công ty cổ phần Nam Việt sẽ cung cấp cho thị trường sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm có định lượng, chất lượng cao, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho trên 50 lao động làm việc tại công ty và hàng trăm lao động thời vụ khác. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của cơ sở làng nghề, KCTN còn xây dựng 04 đề án hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất, kinh phí hỗ trợ 180 triệu đồng.
Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Xác định công tác đào tạo nghề, truyền nghề là một trong những nội dung chủ yếu của chương trình khuyến công, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (DNCNNT), đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, KCTN đã thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, khai thác và phát huy tiềm năng, nội lực, gắn dạy nghề với các cơ sở sản xuất và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, 9 tháng đầu năm 2010 KCTN đã phối hợp với các Trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 11 đề án đào tạo nghề, đào tạo được 960 lao động tại các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn Tỉnh. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công cho công tác đào tạo nghề là 783 triệu đồng. Trong đó KPKC quốc gia hỗ trợ 405 triệu đồng; KPKC địa phương hỗ trợ 378 triệu đồng. Bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ kinh phí mở khóa đào tạo chế biến và bảo quản chè cho khoảng 350 học viên thuộc huyện Phú Lương. Với thời gian đào tạo 3 tháng, học viên được trang bị những kiến thức cơ bản cùng với một số kỹ thuật mới trong chế biến và bảo quản sản phẩm chè, tạo việc làm, nâng cao tay nghề và thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp
Hướng tới xây dựng nông thôn mới
Để thực hiện mục tiêu này, Thái Nguyên cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề hiện có và làng nghề mới, làm đường giao thông vào làng nghề, kéo lưới điện phục vụ sản xuất, hỗ trợ trang thiết bị máy móc... Trước đòi hỏi của thực tế, KCTN đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển, khôi phục làng nghề như đào tạo nghề và truyền nghề, nhân cấy nghề mới cho các làng nghề. Song song với công tác đào tạo, KCTN không những khơi dậy thế mạnh của làng nghề mà còn xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề trên địa bàn, xúc tiên thương mại đưa sản phẩm của làng nghề đến với thị trường trong và ngoài nước. Có thể nhận thấy sự thiết thực hiệu quả của công tác khuyến công, từ chỗ làng nghề ở Thái Nguyên chỉ có chưa đầy 10 làng nghề, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 157 làng có nghề. Đến nay, đã có 32 làng nghề được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận và được kinh phí khuyến công hỗ trợ mỗi làng nghề 20 triệu đồng/. Các ngành nghề đã được mở mang và đa dạng ngành nghề hơn rất nhiều so với trước đây (làm chè, nhãn, vải, bánh chưng, sản xuất bún, bánh, đậu phụ, đường phên, dâu tằm tơ, miến, nấu rượu, trồng hoa, rau sạch, may, thêu ren, dệt thổ cẩm, đồ gỗ, mây tre đan, mành cọ, sản xuất vật liệu xây dựng...). Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua cũng đã ghi nhận sự phát triển lớn mạnh của không ít làng nghề trên địa bàn như làng nghề truyền thống chè Hồng Thái II, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), có 147 hộ làm nghề chế biến chè với sản lượng 140 tấn chè búp khô/năm, thu nhập bình quân người lao động trong làng nghề là 1,5 triệu đồng/người/tháng; Làng nghề miến dong Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), hiện có 53 hộ làm nghề với khoảng 300 lao động, đạt sản lượng 36 tấn miến/năm, thu nhập bình quân người lao động là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung, xã Tiên Phong (Phổ Yên), đạt sản lượng 8.200 sản phẩm/năm. Hoạt động khuyến công đã góp phần làn hồi sinh làng nghề, tạo nên một diện mạo mới của nông thôn Thái Nguyên đã và đang mở ra.
Cùng với đó, KCTN còn hỗ trợ kinh phí xây dựng quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp số 2 - Cảng Đa Phúc, với kinh phí hỗ trợ là 240 triệu đồng. Có thể nói, hoạt động khuyến công đã thổi một luồng gió mới, khơi dậy và đánh thức các nghề, làng nghề truyền thống, tạo ra những giá trị vật chất đáng kể làm thay đổi hàng ngày trên vùng đất Chiến khu. Với những hoạt động đa dạng của chương trình khuyến công đưa Thái Nguyên sớm trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du Bắc bộ, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng một nông thôn mới, đời sống ấm no hạnh phúc, xứng đáng với vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.
Lê Hằng