Năm 2008, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta nói chung và Thái Nguyên nói riêng có nhiều biến động do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng lại là năm bội thu nhất của Khuyến công Thái Nguyên. Các đề án được triển khai toàn diện và hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục và y tế vùng Đông Bắc - Bắc bộ.
Kết quả sau 3 năm triển khai chương trình
          Khuyến công địa phương có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng theo hướng công nghiệp và dịch vụ của từng địa phương. Đối với Trung tâm Khuyến công (TTKC) Thái Nguyên, trong 3 năm qua, số đề án triển khai được thực hiện và nguồn kinh phí hỗ trợ ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2006, thực hiện được 13 đề án, với kinh phí hỗ trợ là 594 triệu đồng thì năm 2007, TTKC thực hiện 15 đề án, kinh phí hỗ trợ là 1,05 tỷ đồng tăng 77,4 % so với năm 2006. Năm 2008, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nhưng các đề án khuyến công triển khai tương đối toàn diện, có 23 đề án được thực hiện, với kinh phí hỗ trợ là 1,4 tỷ đồng, tăng 44,49% so với năm 2007. Đặc biệt, TTKC còn huy động 768,66 triệu đồng của các doanh nghiệp để quy hoạch chi tiết 02 cụm công nghiệp Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ và cụm công nghiệp Phú Lạc, huyện Đại Từ.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, từ năm 2006, TTKC đã phối hợp với các Trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp trên bàn Tỉnh tổ chức thực hiện 32 đề án đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho hơn 2 nghìn lao đồng tại các cơ sở sản xuất CN-TTCN, với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, trong đó, đóng góp của các tổ chức cá nhân thụ hưởng 793,4 triệu đồng.
Ông Đinh Khắc Hiển - Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết: “Năm 2006 -2008, TTKC thực hiện 32 đề án đào tạo chuyển đổi nghề, 01 đề án hỗ trợ 3 làng nghề, nhằm củng cố và phát triển làng nghề với mục đích để người dân “ly nông, bất ly hương”, nâng cao đời sống người dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội từng địa phương”. Với mục đích mở ra cho làng nghề một bước phát triển mới, ngoài việc tổ chức tham quan và du nhập nghề mới, TTKC còn hỗ trợ xây dựng các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Bằng công nhận 03 làng nghề đạt tiêu chuẩn Làng nghề năm 2008.
Theo ông Hiển thì, việc phát triển làng nghề truyền thống và làng nghề mới là con đường để huy động vốn trong nhân dân và gia tăng nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời giải quyết vấn đề dư thừa lao động của xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Những năm qua, TTKC không những chú trọng đến chương trình đào tạo và nhân nghề mới, còn hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ như: Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất chè túi lọc tự động của Công ty CP tập đoàn Tân Cương Hoà Bình, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất hợp kim sắt tại huyện Đồng Hỷ, mô hình trình diễn kỹ thuật xử lý môi trường Nhà máy xi măng lò đứng,Công ty CP Xi măng Cao Ngạn...
Mục tiêu năm 2009: Thực hiện 34 đề án.
Sau 3 năm triển khai chương trình, các đề án khuyến công quốc gia cũng như khuyến công địa phương, TTKC Thái Nguyên còn gặp một số khó khăn như, trong công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề trong 3 năm qua tuy được tăng cường, nhưng nhận thức của người dân và các tổ chức kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, nên dự án triển khai ở các vùng, địa phương đó chưa phát huy hết hiệu quả.
Mặt khác, lĩnh vực và các nội dung khuyến công hỗ trợ còn mang tính dàn trải, chưa tạo nên sức bật mạnh mẽ cho hoạt động của khuyến công, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển với tiềm năng sẵn có của Thái Nguyên. Tuy đã chú trọng vào công tác tuyên truyền, nhưng vẫn chưa phổ biến sâu và đầy đủ các thông tin về nội dung, chính sách của Chương trình khuyến công tới các đối tượng; nhiều cơ sở, doanh nghiệp còn ỷ lại vào nguồn kinh phí hỗ trợ của khuyến công, nên khi chương trình khuyến công chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, thì đơn vị không thực hiện dự án đã đăng ký hoặc kết thúc dự án mà không phát triển được nghề.
Việc tổ chức thực hiện các nội dung khuyến công theo Nghị định 134/2004/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN có thuận lợi là đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, tuy nhiên so với yêu cầu thực tế của những tỉnh như Thái Nguyên thì cần có mức kinh phí hợp lý cho từng đề án. Bên cạnh đó, việc thanh quyết toán cho các chương trình đào tạo nghề còn nhiều phức tạp. Trong khi TTKC không có giáo viên dạy nghề mà phải phối hợp với các Trung tâm dạy nghề ở các huyện, dẫn đến việc thanh toán còn nhiều khó khăn.
Mục tiêu năm 2009, TTKC triển khai thực hiện 34 đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 2.700 triệu đồng. Để triển khai hiệu quả các đề án, đồng thời nhằm tháo gỡ những khó khăn tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2012, TTKC Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan, bám sát cơ sở tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện các đề án.Tiếp tục củng cố và thực hiện các nội dung khuyến công đã có, đồng thời nghiên cứu áp dụng các nội dung khuyến công mới một cách phù hợp. Các chuơng trình khuyến công phải vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho sự phát triển của ngành công nghiệp, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của Tỉnh, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ VXII đề ra.
Có thể nói, chính sách khuyến công đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển CN-TTCN và làng nghề ở nông thôn, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở một số địa phương trong Tỉnh. Ngoài ra, chương trình khuyến công đã hỗ trợ tích cực và có hiệu quả cho nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong việc đầu tư để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển CN-TTCN ở vùng nông thôn, đồng thời đã và đang phát huy tác dụng tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.
 
 
                        Lê Thị Hằng