Chính sách khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg đã mở ra hướng đi khả thi cho công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, tạo ra hành lang thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này từ đó thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.


Công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực rộng bao gồm các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được Bộ Công Thương xây dựng trình trình Chính phủ ban hành, sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm thuộc 6 ngành gồm: điện tử-tin học, dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao…mở đường cho sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
Riêng ngành công nghiệp Lâm Đồng với những đặc trưng riêng, bao gồm 3 ngành chính: công nghiệp khai khoáng và khai thác vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến và công nghiệp phân phối điện, khí đốt và nước. Trong ngành công nghiệp chế biến chủ yếu là chế biến khoáng sản nông- lâm sản- thực phẩm- đồ uống- dệt may, da giầy- hóa chất, cơ khí và vật liệu xây dựng.


Vừa qua, Sở Công Thương Lâm Đồng đã lập danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển gồm: sợi tơ tằm, lụa tơ tằm các loại; quần áo may mặc, quần áo lót các loại; sản phẩm thêu đan; giầy dép các loại; van, chi tiết van dầu khí đăng ký với Bộ Công Thương.


Ngành công nghiệp dệt - may, da - giày Lâm Đồng bao gồm sản xuất sản phẩm dệt, sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm bằng da, giả da, chiếm tỷ trọng 17,97% năm 2000, năm 2005 tăng lên 28,4% và năm 2010 là 19,58%. Số cơ sở dệt - may, da - giầy năm 2010 có 1.951 cơ sở với 8.233 lao động, tăng 212 cơ sở, giảm 1.089 lao động so với năm 2005. Định hướng thời gian tới ngành may mặc sẽ là ngành tiềm năng của Lâm Đồng do xu hướng dịch chuyển các ngành thâm dụng lao động sang các tỉnh có ngành công nghiệp kém phát triển, có lực lượng lao động dồi dào. Năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp của dệt may - da giầy đạt 948.112 triệu đồng, chiếm 19,58% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp của Tỉnh. Mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp dệt may - da giày Lâm Đồng đến năm 2015 đạt 2.290 tỷ đồng, năm 2020 đạt 5.062 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 là 7,33%, giai đoạn 2011-2015 là 19,29%, giai đoạn 2016-2020 là 17,19%.


Chủ trương của Tỉnh Lâm Đồng đối với ngành dệt may là xây dựng thành phố Bảo Lộc và các huyện phía nam trở thành địa bàn trọng điểm về dệt may. Hiện nay tại địa bàn Bảo Lộc tập trung nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này. Tốc độ tăng trưởng của các sản phẩm may mặc, sản phẩm thêu đan và các sản phẩm sợi tơ tằm, lụa tơ tằm tăng bình quân từ 19 - 28%. Định hướng thời gian tới cần đầu tư công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Giảm dần tỷ trọng ngành may gia công và tăng sản phẩm có nguồn nguyên liệu trong nước để xuất khẩu trực tiếp. Chủ động sáng tạo mẫu thời trang cho sản phẩm được sản xuất trên địa bàn, từng bước tham gia thị trường thời trang trong nước và quốc tế. Khôi phục và phát triển các làng nghề ươm tơ, dệt lụa. Đào tạo công nhân nhằm đáp ứng kịp thời lực lượng lao động cho nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở mới.


Đối với ngành da giầy, là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn do các ưu thế về vốn đầu tư không lớn, giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, lao động dễ đào tạo, lại có thể tổ chức sản xuất ở nhiều qui mô khác nhau, tận dụng được nguồn nhân công dư thừa trong xã hội. Trong những năm qua, ngành công nghiệp da giầy đã trở thành một trong những ngành xuất khẩu thu ngoại tệ chủ yếu của đất nước, đứng thứ 3 sau dầu khí và dệt may; góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Tuy vậy, ngành da giầy Lâm Đồng còn nhỏ bé, giá trị và tốc độ phát triển chưa cao. Dự kiến thời gian tới, khi điều kiện về giao thông thuận tiện hơn ngành da giầy Lâm Đồng sẽ có những bước phát triển mới, có thể đi vào làm gia công nguyên phụ liệu cho các DN sản xuất giầy, dép của TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Ngoài ra có thể thu gom và bảo quản da trâu bò, cung cấp cho các cơ sở thuộc da của TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh lân cận.


Ngành công nghiệp cơ khí Lâm Đồng hiện tại còn quá nhỏ bé về quy mô, lao động, giá trị sản xuất và chủng loại sản phẩm; phân bố rải rác, năng suất lao động thấp. Tuy vậy, trong những năm gần đây đã có nhiều cố gắng, đã cung cấp, sản xuất phụ tùng thay thế và bảo trì, sửa chữa ôtô, xe máy và các thiết bị khác trên địa bàn, cũng như đảm bảo cung cấp các nhu cầu nông cụ, cửa hoa, cửa xếp tại chỗ. Giai đoạn 2005-2010, cơ khí Lâm Đồng tăng trưởng đạt 11,74%.


Định hướng đầu tư phát triển của tỉnh Lâm Đồng đối với ngành cơ khí: phục vụ các ngành kinh tế khác, trước mắt phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm (chè, điều, cà phê, rau, hoa...), chế biến lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Tập trung xây dựng một số cơ sở sửa chữa máy móc, thiết bị đặt gần các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, các khu, cụm công nghiệp, cơ khí nhỏ ở vùng sâu vùng xa để sản suất, sửa chữa thiết bị, máy móc phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 

Đại Dũng