Kim ngạch XK của cả nước trong 5 tháng đầu năm đạt trên 34,7 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng XK chủ lực đạt và vượt mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch năm 2011: 5 tháng đầu năm tăng 14,2%. Các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn, có mức tăng trưởng đạt hoặc cao hơn mức kế hoạch chung của ngành gồm: khí hoá lỏng (tăng 28,8%); đường kính (tăng 43,2%); vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo (tăng 15,1%); bình đun nước nóng (93,2%)…
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đối với đầu tư phát triển, tất cả các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành rà soát, cắt giảm và điều chuyển vốn đầu tư. Tổng số vốn đầu tư đã cắt giảm trong năm 2011 dự kiến là hơn 80 nghìn tỷ đồng, bằng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã được Bộ Công Thương ban hành kịp thời. Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh: Đây là biện pháp để triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, tạo sự lành mạnh trong thị trường ô tô, bảo vệ người tiêu dùng, bởi có tình trạng nhiều xe ôtô nhập về không bảo đảm an toàn kỹ thuật…
Bên cạnh những cố gắng đáng khích lệ, cần nhìn nhận một thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, đặc biệt là vấn đề giá cả, lạm phát. Cụ thể: chỉ số tiêu dùng tháng 5/2011 tăng 2,21% so với tháng trước; so với tháng 12/2010 tăng 12,07%. Nguyên nhân chủ yếu do giá cả trên thị trường thế giới như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng mạnh, gây áp lực giá đối với thị trường trong nước. Việc tăng giá ở nhiều mặt hàng thiết yếu làm tăng chi phí đầu vào sản xuất cũng như tác động đến tâm lý người tiêu dùng, gây phản ứng tăng giá dây chuyển lên nhiều mặt hàng khác và hình thành mặt bằng giá cao hơn trước. Lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao; đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh; lãi suất ngân hàng cao gây khó khăn cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa…
Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ tán thành với Hội đồng Tài chính tiền tệ quốc gia về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6%, kiềm chế tăng chỉ số CPI ở mức khoảng 15%, giảm bội chi ngân sách Nhà nước dưới 5%, nhập siêu không quá 16% kim ngạch XK, tiết kiệm chi 10%.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ cho rằng, cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên cho sản xuất. Kiểm soát nợ xấu ngân hàng, nhất là nợ xấu liên quan tới bất động sản; điều hành lãi suất theo mục tiêu kiềm chế CPI dưới 15%. Tiếp tục kiểm soát chặt và quản lý được tỷ giá ngoại tệ và vàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%. Kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng; ngăn chặn đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt giá các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm đầu vào của nền kinh tế thì điều hành theo nguyên tắc thị trường, điều chỉnh phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn theo đúng mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Điều hành các chính sách thu, chi ngân sách Nhà nước theo hướng giảm bội chi, tiết kiệm chi thường xuyên, bên cạnh đó đảm bảo thực hiện an sinh xã hội. Thực hiện hạn chế nhập siêu, có các chính sách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ. Tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách, thiết yếu, trên cơ sở xem xét, giải quyết từng dự án cụ thể, ưu tiên dự án phục vụ sản xuất, an sinh xã hội…
Sau sự kiện tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 bị xâm phạm, cắt cáp trên khu vực thềm lục địa ngày 26/5 vừa qua cũng như việc tàu ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc truy đuổi, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động kinh tế, bảo vệ hải phận, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Chính phủ sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn cần thiết cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhật Quang (Công thương điện tử)