Tại khóa họp lần này, Ủy ban liên Chính phủ Việt- Nga đã thống nhất đánh giá: mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đã có chuyển biến đáng khích lệ cho dù bị ảnh hưởng tiêu cực cửa cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong thời gian kể từ khóa họp lần thứ 12 của Ủy ban đến nay, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Nga đã đạt 1,64 tỷ USD vào năm 2008 (cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), tăng 62,4% so với năm 2007. Còn 8 tháng đầu năm 2009, dù khối lượng nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu hai bên có tăng nhưng do giá giảm sút nên kim ngạch hai chiều chỉ đạt 1,16 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2008. Dự báo, những tháng cuối năm, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga sẽ tăng lên do sự phục hồi của nền kinh tế thế giới nói chung và hai nước nói riêng. Tại cuộc họp, hai bên cũng tiếp tục thảo luận và thúc đẩy giải quyết một số vấn đề còn tồn tại hoặc triển khai chậm như: chưa thành lập được liên doanh chế tạo thiết bị thủy công; vấn đề nhập siêu của Việt Nam trong cán cân thương mại với; một số rào cản thương mại của Nga đối với hàng nông thủy sản của Việt Nam…
Với mức độ quan hệ chính trị tốt đẹp cũng như mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước thì quan hệ kinh tế, thương mại còn rất khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng. Do đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Nga trong lĩnh vực năng lượng, trong đó dầu khí là lĩnh vực được ưu tiên phát triển, mang tính chiến lược trong tổng thể mối quan hệ hợp tác song phương. Bên cạnh đó là hợp tác trong việc xây dựng công trình điện; khai thác than; cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô; chuyển giao công nghệ viễn thông, hàng không; nghiên cứu sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình… Doanh nghiệp hai nước cần tăng cường hơn nữa việc tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh.
Hai Bộ trưởng, đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ đã xem xét, ký kết Bản lộ trình thực hiện Kế hoạch hành động trung hạn Nga – Việt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đến năm 2012. Theo đó, nội dung cơ bản của Bản lộ trình là những giải pháp thúc đẩy quan hệ trao đổi hàng hóa; hợp tác đầu tư; hợp tác giữa các địa phương, các chủ thể tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cũng như cơ chế phối hợp trên diễn đàn quốc tế và khu vực. Về những vấn đề còn tồn tại, Việt Nam và Nga tin rằng, với những mối quan hệ đối tác, thiện chí của hai bên, các vấn đề đó sẽ sớm được giải quyết.
Kết thúc khóa họp, hai đồng Chủ tịch đã ký Biên bản về kết quả khóa họp và thỏa thuận khóa họp 14 sẽ diễn ra tại Mát-xcơ-va vào năm 2010.
Nguồn: Báo CT