Ngày 15 tháng 12 năm 2011, tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Tham tán 2011, lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp đã thảo luận nhiều chuyên đề quan trọng với mục tiêu nâng cao vai trò của các tham tán trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước.


Trong phiên làm việc buổi sáng, đại diện các Hiệp hội: Thép, Cà phê, Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và một số doanh nghiệp đã tham gia thảo luận, tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Việt Nam - Nguyễn Tiến Vinh đánh giá cao hiệu quả hoạt động phối hợp của các thương vụ Việt Nam, các tham tán ở nước ngoài với các doanh nghiệp cà phê nói chung, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội nói riêng. Ông Vinh cho rằng, các thương vụ đã thực hiện tốt công tác theo dõi các chính sách của nước sở tại có ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Theo dõi và cập nhật thông tin về diễn biến thị trường, nhu cầu, thị hiếu ngành hàng, kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong nước và tham gia hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc tranh chấp trong kinh doanh giữa hai phía, v.v…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Vinh, hiện nay phần lớn sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn ở dạng thô (cà phê nhân chưa chế biến) nên giá trị thấp, tính cạnh tranh chưa cao. “Hiện Việt Nam mới chỉ có 4 nhà máy cà phê. Riêng sản phẩm cà phê hòa tan mới chiếm 3% sản lượng cà phê của cả nước” - ông Vinh phân tích - "Nhiều thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam với số lượng lớn, nhưng họ yêu cầu các sản phẩm thành phẩm, đặc biệt là cà phê tan. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đầu tư nhiều hơn vào khâu chế biến sâu". Để thực hiện được việc này, ngoài cơ chế hỗ trợ của nhà nước, sự chủ động của doanh nghiệp thì vai trò của các tham tán thương mại là hết sức quan trọng. Ông Vinh đề nghị trong thời gian tới, các tham tán tiếp tục tìm kiếm thị trường và xây dựng cơ chế cung cấp thông tin trực tiếp để hiệp hội triển khai đến các doanh nghiệp.

“Chúng tôi cần tìm kiếm đối tác có khả năng chuyển giao công nghệ, tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường quốc tế” – ông “đặt hàng” các tham tán tại hội nghị.

Trong lĩnh vực dầu khí, ông Nguyễn Quốc Thập – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã troa đổi thẳng thắn với các tham tán về hoạt động thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.

Theo ông Thập, PVN luôn chủ động trong hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

Từ năm 2010 đến nay, PVN đã tổ chức thành công các chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (6/2010), tại Hàn Quốc (11/2010), tại Hoa Kỳ (tháng 6/2011) và thời gian tới sẽ tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn tiềm năng tại châu Âu. Đồng thời, PVN cũng đã và đang tham gia hợp tác quốc tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Thập đề nghị các Tham tán tiếp tục giới thiệu tới các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng của PVN, tập trung vào các lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở trong nước, thu hút đầu tư thông qua hình thức đấu thầu các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí, các lô ở ngoài thềm lục địa và trong đó chấp thuận cả những trường hợp đấu thầu và đàm phán trực tiếp.

“Tại Đông Nam Á, PVN đang hợp tác với Indonesia và Malaysia. Đây là những nước có tiền năng lớn nhưng môi trường đầu tư không thuận lợi. Vì vậy tôi đề nghị các Tham tán thương mại ở nước này giúp đỡ để công tác xúc tiến đầu tư đạt kết quả” – ông Thập đề xuất.

Ông Thập cũng kiến nghị Chính phủ có một số ưu đãi bảo hộ thông qua các Tham tán thương mại để kêu gọi thu hút vốn, nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước.

Tìm cơ hội hợp tác phát triển công nghiệp

Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của các Thứ trưởng Bộ Công Thương: Lê Dương Quang, Hoàng Quốc Vượng, Nguyễn Nam Hải và Hồ Thị Kim Thoa, các tham tán thương mại trao đổi về công tác hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, năng lượng và hóa chất.

Trước khi thảo luận, các tham tán đã nghe báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế về công tác hợp tác trong ngành công nghiệp nói riêng, ngành Công Thương nói chung trong thời gian qua. Theo đó, kết quả sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2001-2010 tăng trưởng mạnh, nhiều sản phẩm công nghiệp đạt chất lượng cao, có giá trị và khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Cơ cấu ngành cũng có những chuyển biến tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp ngoài nhà nước và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh. Hiện có trên 1.500 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 200 tỷ USD và đã thực hiện giải ngân được trên 50%.

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, các tham tán đã nghe báo cáo về thực trạng, tiềm năng và nhu cầu hợp tác quốc tế trong phát triển 4 lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của Việt Nam: Công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, hóa chất và năng lượng).

Trong lĩnh vực công nghiệp nặng, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, hầu hết các ngành sản xuất, như cơ khí, luyện kim, khai thác, chế biến khoáng sản đều có nhu cầu hợp tác quốc tế rất lớn, trong đó bao gồm các hoạt động hợp tác đầu tư, nhập khẩu nguyên, nhiên liệu đầu vào, xuất khẩu sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, công nghiệp hóa chất là ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Khoảng 10 năm gần đây giao động từ 10 – 15%. Tuy nhiên, vẫn giữ một vị trí khiêm tốn trong cơ cấu các ngành công nghiệp. Hơn nữa, ngành mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu trong nước trong khi nhiều nguyên liệu hóa chất phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. “Để đảm bảo ngành công nghiệp hóa chất phát triển xứng đáng với tiềm năng và thế mạnh cần phải tiến hành các giải pháp đồng bộ, trong đó hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa chất là một giải pháp quan trọng” – Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh. Thứ trưởng mong muốn các tham tán Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có công nghiệp hóa chất phát triển, tiếp tục làm đầu mối, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội phát triển.

Trao đổi thông tin trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá: Các lĩnh vực sản xuất như bánh kẹo, dệt may, da giày… đã khẳng định được vị thế quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho hàng triệu lao động. Thứ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, trong đó, việc phục thuộc quá nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu (trong ngành da giày, dệt may…) hoặc công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường (dệt, nhuộm, rượu bia, đồ uống)… là những yếu điểm cần khắc phục trong thời gian tới.

“Hiện chúng ta đang rất cần đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu đầu vào, trong đó đặc biệt là ngành bông và vải. Kế hoạch sản xuất 1 tỷ m vải xuất khẩu đã có song nguyên liệu lại chủ yếu phải nhập khẩu. Đây là vấn đề đáng lo ngại” . Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, các tham tán thương mại phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương và các hiệp hội, doanh nghiệp ngành công nghiệp nhẹ tìm kiếm thị trường xuất khẩu và các đối tác có khả năng chuyển giao công nghệ và khả năng hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào.

Về lĩnh vực công nghiệp năng lượng, sau khi nêu khái quát tiềm năng phát triển và nhu cầu hợp tác quốc tế, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã đề nghị các tham tán thương mại dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tìm kiếm cơ hội phát triển năng lượng sách, năng lượng tái sinh bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống hiện nay.

Ngay trong các buổi làm việc, nhiêu tham tán thương mại đã cung cấp thông tin về thì trường, đối tác và khả năng, điều kiện hợp tác đầu tư, kinh doanh . Tuy nhiên, đây mới chỉ là những gợi mở ban đầu và cần có những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các tham tán với các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp để xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể.

 

Báo Công Thương