TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP - LÀNG NGHỀ
Giai đoạn vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được "Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016- 2025, định hướng đến năm 2030"

Giai đoạn vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được "Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016- 2025, định hướng đến năm 2030"(Quyết định số 2212/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang), và Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2008- 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (Quyết định số 1535/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Bắc Giang). 

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Số lượng làng nghề tính tháng 5 năm 2019 có 39 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận (trong đó có 14 làng nghề truyền thống và 25 làng nghề). Năm 2018, tổng doanh thu từ các làng nghề đạt khoảng 506.870 triệu đồng; tổng số lao động trong làng nghề khoảng 5.811 lao động. Tùy theo từng nhóm ngành nghề có mức thu nhập khác nhau, nghề mây tre đan có mức thu nhập bình quân khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/lao động/tháng; nghề sản xuất mỳ gạo có mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/lao động/tháng; nghề mộc có mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 - 8 triệu đồng/lao động/tháng...

Hoạt động khuyến công thời gian qua đã tác động tích cực đến sự phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tác động trực tiếp đến sự phát triển về sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề. Công tác khuyến công giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn vay vốn để đầu tư công nghệ, thiết bị mới, sản xuất sản phẩm mới; giảm bớt khó khăn về đào tạo và tuyển dụng lao động; nâng cao năng lực quản lý; quảng bá hình ảnh, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh..., Trong năm 2018, tỉnh Bắc Giang được Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch khuyến công quốc gia với tổng kinh phí là 800 triệu đồng, thực hiện hỗ trợ máy móc, thiết bị cho 04 cơ sở CNNT; Đồng thời với nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 3.000 triệu đồng đã hỗ trợ cho 26 đề án (thực hiện một số nội dung như đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản lý; mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường; các hoạt động tư vấn...).

Tuy nhiên, công tác phát triển làng nghề của Bắc Giang thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển;  Năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, thiếu sự phối hợp và còn thụ động trong xử lý những vướng mắc phát sinh; Các cơ sở sản xuất chủ yếu có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu, năng lực tài chính hạn chế. Nguồn vốn thực hiện dự án còn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, khi gặp suy thoái kinh tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, nguồn tín dụng bị thắt chặt sẽ gặp rất nhiều khó khăn; Lực lượng lao động trong các cơ sở sản xuất tuy nhiều nhưng trình độ lao động còn thấp, ý thức tác phong công nghiệp chưa cao, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế;...

Để phát triển làng nghề, thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các Bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề; các cấp, các ngành trong tỉnh thường xuyên rà soát, đề xuất với Trung ương sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, bãi bỏ các cơ chế, chính sách làm hạn chế việc phát triển của ngành nghề; Nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vai trò, vị trí của việc phát triển làng nghề là giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, nhằm xoá đói, giảm nghèo, tạo sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu góp phần tạo nguồn thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế của từng địa phương; Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương đầu tư cho ngành nghề, làng nghề thông qua các chương trình khuyến công, hỗ trợ dạy nghề, vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, xây dựng hạ tầng xử lý ô nhiễm môi trường, …; Khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất nghiên cứu, thiết kế mẫu mã kiểu dáng sản phẩm để tạo ra sản phẩm vẫn giữ được nét truyền thống nhưng đáp ứng thị hiếu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường; Quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tạo điều kiện giải quyết mặt bằng, để di dời các cơ sở trong làng nghề có nhu cầu mở rộng sản xuất vào hoạt động trong cụm công nghiệp, tránh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, ở một số lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: sản xuất mỳ gạo, làm mộc, nấu rượu;…; Xây dựng, quảng bá hình ảnh làng nghề, du lịch làng nghề bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trên Website của các sở, ngành và địa phương, trên báo, đài, phát hành đĩa CD, tờ rơi giới thiệu...; Tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, quốc gia nhằm quảng bá giới thiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường cho sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề.

 

Nguyễn Hương (TTCN)