
Cở sở sản xuất của anh Trần Phú Thuấn, xóm 13, là một trong những cơ sở có quy mô lớn của xã, thường xuyên thuê mướn gần 100 lao động với 200 khung dệt vải nay đang lâm vào tình cảnh khốn đốn. Bởi đơn hàng đã nhận, trong khi lại không có điện sản xuất, cơ sở phải đi mua vải ở những địa phương khác có chất lượng đảm bảo như Nam Định, Hà Đông (Hà Nội) bù vào để giữ chân đơn hàng. Anh Thuấn nghẹn ngào nói: “Bực nhất là đơn đặt hàng có, thợ có, nguyên liệu máy móc đầy đủ chỉ thiếu mỗi điện mà không làm gì được. Hàng tỷ đồng đầu tư vào 200 khung dệt nay nằm im trong xưởng, trong khi tiền lãi vay ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả”.
Đối với những cơ sở xản xuất nhỏ và những người thợ đi làm thuê, tình cảnh còn thê thảm hơn. Điện không có, ruộng cũng không, đồng nghĩa với việc không còn việc gì để làm. Do vậy, những người có sức khoẻ tốt thì đi làm thuê ở nơi khác, thâm chí nhiều thợ đệt có tay nghề cao phải sang các tỉnh lân cận như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình làm phụ xây, buôn bán rau... hoặc đi làm cửu vạn, làm ôsin trên Hà Nôi. Đơn cử như anh Trần Doãn Lợi, một thợ giỏi cấp tỉnh, rất tâm huyết với nghề cũng phải tạm bỏ nghề dệt lặn lội kiếm sống ở Nam Định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hậu cho biết: Hoà Hậu có 2 đường dây điện chạy qua đó là đường dây 10KV và đường dây 35 KV. Khi điện được cung cấp đủ như thời gian trước, toàn xã Hoà Hậu tiêu thụ điện bình quân 450.000 kWh/tháng, chiếm tới 1/3 sản lượng điện tiêu thụ của cả huyện Lý Nhân. Nay điện cung cấp cho xã chỉ được khoảng 1/10 lúc trước. Vào lúc có điện (ban đêm), thì toàn xã như một công trường lớn, nhà nhà dùng điện sinh hoạt và sản xuất nên nên điện cũng trở nên rất yếu, không thể chạy máy móc được. Ai cũng biết rằng điện là nguồn năng lượng phổ biến trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, người dân Hoà Hậu lại là những người thấu hiểu điều này nhất, do vậy tình trạng mất điện tràn lan và kéo dài như hiện nay đang đẩy người dân Hoà Hậu vào tình cảnh khốn đốn./.
Đức Phương - Đăng Hưng