Đó là lời chia sẻ đầy lo lắng của ông Nguyễn Quảng Toản, trưởng thôn Quất Động, xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội với chúng tôi về hiện trạng phát triển nghề thêu truyền thống của làng nghề Quất Động.


Cách đây khoảng 5 năm tôi đã có dịp về thăm làng nghề thêu Quất Động, thời điểm đó làng thêu đang ở thời kỳ thịnh vượng. Đi vào bất cứ ngôi nhà nào trong làng cũng thấy cảnh người dân làng nghề cần mẫn chăm chút từng mũi kim sợi chỉ. Và nghề thêu không còn là nghề phụ của làng nữa mà thực sự là nghề đem lại thu nhập chính cho người dân khi có tới 80% lao động của làng tham gia làm nghề.

 

Với đặc trưng mềm, mịn, màu sắc rõ nét, có chiều sâu… sản phẩm của làng thêu Quất Động không chỉ chiếm được sự tin dùng của người tiêu dùng trong nước mà còn có sức hút lớn, là lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu, khách du lịch cho dù giá sản phẩm thêu, đặc biệt là tranh thêu của Quất Động không hề rẻ. Theo đó, sản phẩm của làng thêu Quất Động cũng đã được xuất khẩu đi khắp các thị trường: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada…

 

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại làng thêu Quất Động đã mất đi sự sôi động đó và điều dễ nhận thấy nhất là người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống của làng nữa. “Làng nghề giờ chỉ còn phụ nữ trung tuổi và người già là còn làm nghề nhưng cũng chỉ là làm thêm thôi chứ nghề thêu không còn là nghề đem lại thu nhập chính cho người dân nữa...” ông Toản chia sẻ.

 

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng Quất Động đang mất dần lao động, ông Toản cho rằng: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân nhất là lớp thanh niên dần quay lưng lại với nghề chủ yếu là do làng thêu Quất Động nằm sát với Cụm công nghiệp Quất Động, doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp lại thường xuyên tuyển lao động, do đó người dân dễ dàng tìm được việc làm mới nên bỏ nghề thêu.

 

Bên cạnh đó, nghề thêu không ổn định, lúc có hàng, thợ thêu phải làm ngày làm đêm để đảm bảo thời gian trả hàng, khi không có hàng thì lại chơi dài. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, tình hình thị trường khó khăn, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất chật vật tìm đơn hàng, do đó người dân cũng không có đều việc. Nhưng có lẽ câu trả lời xác đáng nhất cho vấn đề lao động của Quất Động tôi lại được nhận từ chị Hoàng Thị Khương, một nghệ nhân nổi tiếng của làng: nghề thêu là nghề khá tỉ mẩn, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, nhẫn lại và khi thêu rất mỏi mắt, thế nhưng thu nhập đem lại từ nghề không cao. Với những thợ có tay nghề cứng, làm việc cật lực một ngày cũng chỉ cho thu nhập khoảng 70.000 đồng, còn nếu làm tranh thủ hoặc thợ tay nghề non thì thu nhập thấp hơn nhiều.

 

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và rời rạc đang là hiện trạng phát triển nghề thêu của Quất Động. Tâm lý độc quyền, ngại chia sẻ đã khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề đơn độc trên con đường tìm kiếm thị trường, phát triển sản phẩm và cũng khiến cho sản phẩm của làng nghề thiếu đi sức cạnh tranh, giá trị đạt được không xứng với tiềm năng, theo đó phần thu nhập của người dân làm nghề cũng thấp.

 

Ngập ngừng chia sẻ về kế hoạch xây dựng một đội thợ chuyên làm hàng tranh thêu hai mặt, sản phẩm đang nhận được nhiều yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, chị Khương cho biết: tranh thêu hai mặt rất khó làm, đòi hỏi người thợ phải nhớ, kỹ thuật thêu phải cứng nhưng thu nhập từ loại hàng này sẽ cao gấp đôi so với làm tranh thêu một mặt. Vì vậy, chị đang truyền dạy kỹ thuật thêu hai mặt cho hơn 10 chị em trong làng. Sau khi được đào tạo, đội thợ sẽ cùng chị phát triển hơn nữa dòng tranh hai mặt độc đáo của làng nghề và với số lượng đơn đặt hàng cũng như hợp đồng hợp tác lâu dài, chắc chắn phần thu nhập của người thợ thêu sẽ được tăng lên đáng kể so với mức thu nhập như hiện nay. “Hy vọng rằng, việc phát triển dòng tranh hai mặt sẽ góp phần thay đổi diện mạo nghề thêu truyền thống của làng”, chị Khương nói.Tôi thực sự khâm phục tinh thần dám nghĩ dám của chị Khương và thực sự mong mỏi những nỗ lực của chị sẽ thành công và đem lại sức sống mới cho nghề thêu truyền thống của Quất Động.
 

 

Phạm Kim