
Tôi có dịp trở lại Trát Cầu vào một ngày cuối tháng 6 khi nắng hạ đang ở thời điểm rực rỡ nhất trong năm và cũng là thời điểm “nghỉ ngơi” của ngưòi dân Trát Cầu. Theo lời giải thích của nghệ nhân Trần Văn Vinh, sở dĩ gọi là thời điểm “nghỉ ngơi” của người dân Trát Cầu là do làng nghề chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm… là những sản phẩm dùng nhiều trong mùa đông do đó ở thời điểm này lượng hàng không dồn dập, người dân Trát Cầu có thời gian rảnh rỗi.
So với lần về Trát Cầu vài năm trước của tôi giờ đây làng nghề đã thay đổi khá nhiều, nhà cửa khang trang hơn, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ và rộng rãi hơn rất nhiều. Nghệ nhân Trần Văn Vinh đã rất tự hào khi giới thiệu với tôi rằng: nhờ có nghề bông truyền thống mà Trát Cầu lột xác hoàn toàn, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Toàn thôn hiện có tới 50 doanh nghiệp với 100 ô tô tải, 30 chiếc xe con. Bình quân mỗi hộ làm nghề có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, đối với các xưởng lớn thu nhập có thể tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm.Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề còn được thể hiện qua con số thống kê, hơn 80% số lao động của Trát Cầu làm nghề. Hơn thế nữa, nghề bông truyền thống của làng còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động từ các xã lân cận và các tỉnh khác như Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ… với mức lương bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Và sản phẩm của làng nghề giờ đã tỏa đi khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Mặc dù nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm… đã và đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây, song bên cạnh điểm tích cực ấy người dân Trát Cầu còn canh cánh nỗi lo về vấn đề ô nhiễm môi trường. Do trong quá trình sản xuất, lượng rác thải ra của làng nghề là khá lớn, rác thải được đổ tràn ra ruộng, ven đường, cùng với đó một số hộ sản xuất có thói quen đốt giẻ rách đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và môi trường làng nghề. Mặc dù năm 2010, xã Tiền Phong đã đề nghị UBND huyện Thường Tín cho đào một hố chôn rác thải nhưng cho đến năm hỗ chôn đã gần đầy do lượng rác thải quá lớn, nguy cơ rác thải lấn chiếm đất làng nghề có lẽ là tương lai không xa của Trát Cầu.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn cháy nổ vẫn chưa được các hộ sản xuất quan tâm đúng mức trong khi chăn, ga, gối là những vật dễ bắt lửa và cũng là hiểm họa lớn của làng nghề. Vào thời điểm cuối năm 2011, một vụ hoả hoạn lớn đã xảy ra tại làng nghề, toàn bộ nhà xưởng sản xuất rộng hơn 4.000m2 của Công ty TNHH Vikosan đã bị cháy rụi gây thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng này.Được biết, để hỗ trợ người dân mở rộng đất sản xuất, hạn chế các vấn đề về an toàn cháy nổ, môi trường UBND xã Tiền Phong đã quy hoạch cụm điểm công nghiệp làng nghề với diện tích 7,8ha. Hy vọng với nỗ lực này, làng nghề bông truyền thống Trát Cầu có điều kiện phát triển hơn nữa và vươn tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bảo Ngọc