Hiện nay nước ta có khoảng 18.296 HTX, 50 Liên hiệp hợp tác xã (HTX), 360.000 tổ hợp tác và gần 2.000 làng nghề hoạt động trên 46 lĩnh vực nghề khác nhau thuộc 5 nhóm ngành cơ bản: nông, lâm nghiệp; thủy sản; công nghiệp thực phẩm; xây dựng; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Cần phân định rõ nét đặc thù giữa HTX và doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Xuân Hiên – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay ở khu vực nông thôn trên cả nước có 8.681 HTX nông nghiệp và 16 liên hiệp HTX nông nghiệp, trong đó có hơn 49% HTX có quy mô toàn xã; 12 % HTX có quy mô liên xã. Do vậy giữa các HTX nông nghiệp và các hộ gia đình sản xuất nghề có mối quan hệ mật thiết, phần lớn các hộ gia đình là xã viên HTX, giữa HTX và các hộ xã viên cùng có chung mục tiêu sản phẩm, các hộ có thể gia công nguyên liệu hoặc chi tiết sản phẩm cho HTX. Để nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết sản xuất và kinh doanh, cần có sự nghiên cứu và nhìn nhận rõ thế mạnh và đặc thù khác biệt giữa HTX và doanh nghiệp trong làng nghề, trên cơ sở đó phân công hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh phù hợp để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Sự phân công hợp lý có thể dựa trên các tiêu chí sau: HTX là đầu mối được nhà nước hỗ trợ về khoa học công nghệ và đào tạo, là nơi phổ biến và nghiên cứu cải tiến chất lượng sản phẩm giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình áp dụng vào sản xuất; HTX cũng là nơi cung ứng dịch vụ nguồn nguyên liệu và dịch vụ sản phẩm đầu ra cho các doanh nghiệp và hộ gia đình trong làng nghề, là nơi phổ biến nhận thức bảo vệ môi trường trong làng nghề, thực hiện các mô hình xử lý môi trường cho các làng nghề, giúp hướng dẫn nhân rộng mô hình cho các doanh nghiệp và hộ gia đình cùng thực hiện Doanh nghiệp và các hộ gia đình trong làng nghề là nơi sản xuất những sản phẩm mới, sản phẩm mẫu chào hàng theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Sự phân công và hợp tác liên kết phải được đánh giá trên cơ sở kinh tế được phân định rõ ràng, công bằng theo kết quả công việc giữa HTX và doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa 4 yếu tố cấu thành của công nghệ sản xuất sản phẩm là thiết bị, con người, thông tin và tổ chức tạo nên sự liên kết bền vững giữa HTX và doanh nghiệp trong các làng nghề.

Xây dựng thương hiệu: Điểm yếu của các DN làng nghề

Theo điều tra của Hiệp hội làng nghề thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiêu biểu cho doanh nghiệp và làng nghề hiện nay rất yếu. Nhiều sản phẩm mang tính mỹ thuật cao thể hiện bản sắc dân tộc của thủ công mỹ nghệ không được khách hàng biết đến. Nhiều sản phẩm đẹp, được sáng tạo công phu nhưng do không có thương hiệu nên đã bỏ mất bản quyền của nghệ nhân. Vì vậy rất cần hợp tác giữa các doanh nghiệp làng nghề để xây dựng thương hiệu, bảo đảm và phát huy khả năng cạnh tranh của sản phẩm của mình.

Anh Nguyễn Văn Viện- doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ Sơn Đông- TP. Bắc Ninh chia sẻ: muốn bảo tồn và phát triển làng nghề thì HTX- Hiệp hội làng nghề cần tạo cầu nối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các làng nghề có điều kiện tham gia các hội chợ, hội thảo; tạo cơ hội tham quan, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Hiện nay nhiều loại sản phẩm cung không đủ cầu nhưng vẫn khó tiêu thụ vì chưa có thương hiệu hoặc doanh nghiệp, nghệ nhân không có điều kiện để toàn tâm, toàn ý đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động làng nghề.

Thực tế cho thấy, để thực hiện liên kết HTX và doanh nghiệp làng nghề, trước hết cần khắc phục tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, chụp giật; đồng thời có sự cảm thông chia sẻ, gắn bó hợp tác, đảm bảo chữ tín trong kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm. Chính sự liên kết hợp tác chặt chẽ sẽ góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề và đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành hàng.
 

Minh Thành