Quy hoạch Công nghiệp địa phương
Theo đánh giá tại Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ tại Hà Nam ngày 10/8/2012, thời gian qua, hiệu quả giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp toàn vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã có sự tăng trưởng, xuất khẩu tăng cao nhưng nhập siêu vẫn lớn bởi các địa phương chưa biết khai thác tối đa thế mạnh của tỉnh nói riêng và của vùng nói chung.

 

Một trong những nguyên nhân quan trọng là hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương còn thiếu sự liên kết hỗ trợ chặt chẽ với nhau. Chưa tìm được tiếng nói chungMặc dù được coi là một vùng đất rất giàu tiềm lực phát triển công nghiệp thương mại nhưng sự phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ vẫn còn nhiều bất cập và thiếu bền vững. Lý do mỗi địa phương như một pháo đài kinh tế riêng mà chưa xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hóa, liên kết thị trường giữa các địa phương theo ngành hàng, nhóm hàng để tạo năng lực cạnh tranh cho kinh tế vùng. Tỉnh nào cũng muốn tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Hậu quả là hiện nay, tỉnh nào cũng lúng túng trong việc tìm biện pháp giải phóng lượng hàng tồn kho cho các doanh nghiệp. Theo TS. Dương Đình Giám- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương), chủ trương liên kết vùng đặt ra đã lâu nhưng đến nay vẫn thiếu một thể chế chính sách, thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng cho hoạt động này. Đặc biệt, việc thiếu một “nhạc trưởng” giữ vai trò điều phối là nguyên nhân khiến cho việc xây dựng chuỗi liên kết trở nên lỏng lẻo. Kết quả là, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn mạnh ai nấy làm. Dễ thấy nhất là tình trạng tỉnh nào cũng có khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối, cố gắng thu hút đầu tư về địa phương bằng cơ chế chính sách riêng của mình.

 

Vì vậy, mặc dù các địa phương đều có nhiều lợi thế về sản phẩm mũi nhọn nhưng chưa thể phát triển như mong muốn, chưa tạo ra thế mạnh của vùng. Thậm chí, sự cạnh tranh giữa các tỉnh có thể phá vỡ qui hoạch vùng. Đó là chưa kể, cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, thương mại, giao thông… vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu của đối tác mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu cơ chế, chính sách tốt để thu hút đầu tư. Phải đối thoại trước khi làm đối tácTất cả lãnh đạo các địa phương đều nhất trí: giải pháp tốt nhất đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, tìm hướng đi bền vững cho DN là phải cùng nhau xây dựng một cơ chế liên kết hợp tác thực sự hiệu quả.

 

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng khẳng định: Chỉ có liên kết vùng chặt chẽ chúng ta mới tìm được tiếng nói chung nhằm tạo ra những giải pháp đồng bộ mang tính lâu dài đảm bảo cho sự phát triển của DN.Vấn đề là làm thế nào để xây dựng được mối liên kết hiệu quả này? Trong khi rất nhiều tỉnh kỳ vọng nhiều vào những chuyến tham gia hội chợ triển lãm ra nước ngoài thì Nam Định rất quan tâm đến chuyện đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì các siêu thị chỉ làm việc với một số đầu mối nhất định. Ninh Bình đang thí điểm xây dựng mô hình hợp tác công – tư. Thái Bình rất chú trọng việc tuyên truyền dùng sản phẩm của địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho nhưng hiệu quả rất hạn chế. ông Vũ Ngọc Khiếu- Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình thừa nhận: “Hiện Thái Bình còn lượng hàng tồn kho trị giá lên tới 3.500 tỷ đồng, chủ yếu là sản phẩm của các DN làng nghề, DN thu mua chế biến, gạch ốp lát, sứ dân dụng… Tuy nhiên, giải pháp “người Thái Bình dùng hàng Thái Bình” do tỉnh phát động có vẻ không được hiệu quả lắm. Đó là chưa kể, chủ trương này có vẻ không đảm bảo tính chất liên kết vùng.

 

Đặc biệt, với vai trò đầu tàu kinh tế, Hà Nội đang thực hiện chủ trương liên kết với tất cả các tỉnh trên cả nước để xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng. Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội dự định xây dựng một khu trưng bày sản phẩm tiểu thủ công nghiệp quy mô lớn nhằm giới thiệu hầu hết các sản phẩm trên toàn quốc. Mục đích không chỉ quảng bá hình ảnh của Hà Nội mà còn thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển liên kết vùng bền vững.Tuy nhiên, TS. Dương Đình Giám- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, các giải pháp liên kết tìm đầu ra cho thị trường là rất cần thiết nhưng vẫn chỉ là giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề là phải liên kết hợp tác từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ thì mới đảm bảo tính chủ động và bền vững. Vấn đề là, các tỉnh có thực sự muốn liên kết hay không? các địa phương có sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi trước mắt để cùng đầu tư dự án cho tỉnh bạn để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm hợp lý hay không? Ai sẽ là “nhạc trưởng” để “cầm cân nảy mực” trong “cụm ngành kinh tế liên hoàn”. Ông Giám cho rằng, trước khi bàn tới chuyện hợp tác và liên kết, việc đầu tiên là phải tạo ra các kênh đối thoại giữa các lãnh đạo địa phương và các cơ quan ban ngành chức năng. Viện Chiến lược Chính sách sẵn sàng làm đầu mối nếu các tỉnh có nhu cầu. Rất cần một chế tàiTheo các chuyên gia, giữa các tỉnh nội vùng thường có chung lợi thế, vì vậy rất dễ có sự xung đột về lợi ích nên khó có sự hợp tác chân thành. Sự phân mảnh về thể chế không chỉ nằm ở phạm vi các tỉnh, giữa chính quyền trung ương và địa phương, mà còn giữa những bộ, ngành với nhau; thậm chí xung đột lợi ích trong phát triển. Kết quả là đầu tư trùng lắp, dàn trải, nhỏ lẻ, chậm phát huy hiệu quả, không có nhiều công trình tầm cỡ với “lợi thế dùng chung” cho cả vùng. Để có tiếng nói chung, không thể quên được cơ chế điều phối trên cơ sở xây dựng những cơ chế liên kết hữu hiệu và khung pháp lý đặc thù. Ông Phạm Văn Phương, giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho rằng, để giải được bài toán hợp tác và liên kết vùng, trước hết, phải giải quyết được các vấn đề: mục tiêu, cơ chế, chính sách cụ thể nào để thực hiện liên kết vùng. Chế tài nào cho vấn đề xây dựng quy hoạch và thực hiện qui hoạch? Đâu là chính sách cụ thể để thực hiện liên kết vùng, nhất là cơ chế phối hợp- vấn đề khó nhất hiện nay.

 

Rõ ràng, việc xây dựng một cơ chế pháp lý rõ ràng trong liên kết, chỉ huy và phối hợp các nguồn lực phát triển để phá vỡ thế lẩn quẩn hiện nay là rất cần thiết. Theo đó, việc quy hoạch phải theo sản phẩm thế mạnh của vùng, của từng tỉnh với mối quan hệ gắn bó chặt chẽ ngành hàng. Những điều này đòi hỏi cần tổ chức lại quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng.Câu hỏi đặt ra là, chuyện liên kết đã bàn đến từ lâu nhưng bao giờ có hành lang pháp lý cho vấn đề này.

 

 

 


Khánh Chi