Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã vượt mục tiêu đề ra, vậy theo ông, sang năm 2011 ngành gỗ có tiếp được đà tăng trưởng của năm 2010 không ?
Năm 2011, ngành gỗ sẽ gặp những ảnh hưởng nhất định bởi các nước nhập khẩu sản phẩm gỗ sẽ áp dụng một cách triệt để Đạo luật Lacey (Đạo luật của Mỹ về cấm buôn bán gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp), thêm vào đó là xu hướng ưu tiên sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường… Tuy nhiên, các DN trong ngành cũng đã rất nhanh chóng bắt kịp những biến động này. Bên cạnh việc duy trì thị phần ở những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản các DN đã bước đầu xâm nhập được những thị trường mới rất tiềm năng như: Nga và các nước Đông Âu cũ, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông. Tiếp nối từ nửa cuối năm 2010, giá các mặt hàng gỗ đều tăng từ 3-7% đã làm giảm sức ép tăng giá thành sản phẩm do giá nguyên liệu tăng cho các DN. Hơn nữa, được sự ủng hộ của Nhà nước, một số sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam không phải đóng thuế… Với tất cả những thuận lợi trên cộng với sức phát triển nhanh chóng của các DN trong ngành những năm gần đây thì việc ngành gỗ phấn đấu đạt mục tiêu 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và tiếp đà tăng trưởng 25% là hoàn toàn có thể.
Năm 2010 đánh dấu những nỗ lực không mệt mỏi của các DN ngành gỗ. Dưới sức nặng của sự cạnh tranh, sức ép từ việc phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu và nhất là một loạt những rào cản thương mại từ phía các nước nhập khẩu…ngành gỗ vẫn đạt hơn 3,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 25% so với cùng kỳ.
Triển vọng từ các thị trường nhập khẩu gỗ của Việt Nam năm nay sẽ như thế nào, thưa ông?
Triển vọng từ các thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ là tốt, bởi: cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới nói chung đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hiện nay nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ của thế giới bình quân đạt 230 tỷ USD/năm. Trong đó, nhu cầu từ những thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam lại khá khởi sắc như: Mỹ là trên 30 tỷ USD/năm, các nước EU trên dưới 85 tỷ USD/năm. Ngoài ra, các thị trường mới mà các DN Việt Nam đã tiếp cận được cũng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ rất lớn.
Hiện nay xu hướng tiêu dùng sản phẩm gỗ trên thế giới đã có sự thay đổi, vậy năm 2011 những sản phẩm gỗ nào của Việt Nam sẽ có ưu thế trong xuất khẩu?
Ngay từ năm 2010, xu hướng tiêu dùng sản phẩm gỗ của thế giới đã có sự thay đổi; những sản phẩm gỗ nội thất và các sản phẩm gỗ kết hợp với các vật liệu khác được sử dụng tăng dần; dưới tác động của Luật Lacey v�ý thức Về bảo vệ môi trường những sản phẩm từ gỗ rừng trồng sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Theo đó, các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 sẽ là sản phẩm gỗ nội thất có giá bình dân được chế biến từ gỗ rừng trồng kết hợp với các vật liệu khác, tiếp đến là nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
Thị trường nội của ngành gỗ Việt Nam hiện đang bị lấn át bởi hàng ngoại nhập, theo ông làm thế nào để ngành gỗ hạn chế được tình trạng này?
Đúng là hiện nay ngành gỗ vẫn chưa khai thác được xứng tầm tiềm năng của thị trường nội địa. Tuy nhiên, từ khi Việt Nam thực hiện cam kết WTO sản phẩm gỗ của các nước nhập vào Việt Nam tăng lên đã tác động tới nhận thức phải quan tâm đến thị trường nội địa của các DN trong nước. Và để làm được điều này các DN rất cần có những chính sách khuyến khích của Nhà nước về thuế, phát triển nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật…Thêm vào đó sự hưởng ứng của người tiêu dùng trong nước cũng là yếu tố rất quan trọng. Nhưng vấn đề chính vẫn là sự nỗ lực của các DN trong việc cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm…Với những nỗ lực không ngừng của các DN, hai năm gần đây thị trường nội địa của ngành gỗ đã không ngừng khởi sắc, trên thị trường hiện nay chỉ còn nhóm sản phẩm gỗ nội thất đang phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập, còn các nhóm sản phẩm còn lại như sản phẩm gỗ xây dựng, sản phẩm gỗ mỹ nghệ, sản phẩm gỗ cho giáo dục, văn hóa…các DN Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh được thị trường./.
Việt Nga (Ven.vn)