Diễn ra với ba phiên họp, hội nghị có sự tham gia của ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Nguyễn Cẩm Tú- Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng Chủ tịch, Tổng thư ký các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp trong cả nước. Mục đích của hội nghị là trao đổi về chương trình hoạt động của Hội đồng Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam năm 2010 và những năm tiếp theo. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp với việc phát triển thị trường nội địa cũng như tham gia tích cực vào cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam là nơi tụ hội của tất cả các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc. Tổ chức này được cơ cấu và hoạt động với nhiều nội dung nhằm tập hợp được ý kiến sâu sát từ cộng đồng doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nắm bắt được khó khăn, trở ngại cũng như thực trạng của ngành hàng, từ đó xây dựng chính sách phù hợp, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp trong thị trường nội địa cũng như trên thị trường thế giới. Mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong một quốc gia đều chịu sự giám sát, quản lý của Nhà nước trên cơ sở chính sách và pháp luật.
Theo ông Hoàng Long Quang- Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội (HBA): Một cơ chế chính sách tốt sẽ hỗ trợ hiệp hội và doanh nghiệp phát triển thuận lợi, ngược lại, sẽ kìm hãm sự phát triển của nó. Vì thế, xây dựng hành lang pháp lý và chính sách cho tổ chức và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp để nâng cao vai trò và vị thế của các hiệp hội doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay được đánh giá là hết sức cần thiết và quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận định, vai trò của hiệp hội tại Việt Nam chưa thật sự được phát huy như các hiệp hội doanh nghiệp trên thế giới. TS. Nguyễn Hồng Sơn- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam -nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, hội và hiệp hội doanh nghiệp nói chung, hội và hiệp hội ngành nghề nói riêng cần phải được nâng tầm hoạt động đủ mạnh và đồng đều khắp cả nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, trước mắt, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Một số kiến nghị được đưa ra trong buổi chiều ngày 9/3 là Quốc hội nhanh chóng ban hành Luật về Hội và Hiệp hội. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, một số đại biểu kiến nghị chuyển giao các nhiệm vụ và các hoạt động khuyến khích phát triển doanh nghiệp cho các hiệp hội như hỗ trợ tín dụng, xuất khẩu, mặt bằng sản xuất, đào tạo và xúc tiến đầu tư, thương mại… Ngoài ra, Hội đồng Hiệp Hội doanh nghiệp cần có kiến nghị thống nhất những mặt hàng trong nước đã sản xuất được áp dụng cơ chế đặc biệt cho các dự án thuộc ngân sách nhà nước nhằm đạt được chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Nguồn: Báo Công Thương