Được đánh giá là nơi còn lưu giữ và bảo tồn khá toàn vẹn những tinh hoa của nghệ thuật làm sơn mài truyền thống, làng nghề Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định) luôn là lựa chọn hàng đầu của những người làm nghề khi muốn tìm đến những giá trị đích thực của nghệ thuật sơn mài. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ Cát Đằng, những sản phẩm của làng nghề như: tranh, lọ hoa, âu các loại, đĩa lót, khay trang trí… không chỉ đẹp về màu sắc mà còn rất có hồn. Và cũng chính bởi vẻ đẹp đặc sắc đó mà sản phẩm sơn mài trên chất liệu gỗ truyền thống của Cát Đằng đã từng in dấu ở những nơi trang trọng bậc nhất của cung đình Huế xưa.
Ngày nay, phát huy những tinh hoa của nghệ thuật sơn mài truyền thống bên cạnh việc sử dụng chất liệu gỗ, người thợ Cát Đằng còn sử dụng cả nứa để làm nguyên liệu thô. Với ưu điểm nhẹ, rẻ, bền, dễ tạo hình, thuận lợi trong quá trình vận chuyển nứa đang dần chiếm ưu thế trong quá trình sản xuất của người dân Cát Đằng. Theo đó, sản phẩm của làng nghề ngày một đa dạng và nổi danh, đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây làng nghề phát triển rất nhanh. Sản phẩm của làng nghề không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà du khách nước ngoài và những nhà nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Pháp, Nga, Đức cũng rất coi trọng. Theo ước tính của ông Nguyễn Văn Tảo, Phó chủ tịch UBND xã Yên Tiến, với khoảng vài chục vạn sản phẩm, doanh thu mỗi năm của Cát Đằng đạt khoảng 90 tỷ đồng và điều đáng mừng là phần lớn số doanh thu này là do hoạt động xuất khẩu đem lại.
Tuy nhiên, ông Tảo cũng cho biết: Mặc dù hoạt động xuất khẩu của Cát Đằng diễn ra khá nhộn nhịp, nhưng sản phẩm của làng nghề chủ yếu được xuất khẩu qua các công ty trung gian tại Hà Nội nên phần lợi nhuận thu về của làng nghề không xứng với khả năng sản xuất và công sức của người dân làng nghề. Với mong muốn gia tăng giá trị cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và nhất là đem lại giá trị kinh tế thiết thực cho mình, 20 doanh nghiệp của làng nghề đã hợp lực lại nhằm tìm hướng xuất khẩu trực tiếp cho làng nghề. Với hậu thuẫn là Công ty TNHH Thanh Hoàn có thâm niên gần 10 năm xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của làng nghề sang Mỹ, các doanh nghiệp đã được giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Mỹ, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, tham gia vào các đoàn khảo sát thị trường tại Đức, Pháp do Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ tổ chức… Sau 3 năm tích cực tìm kiếm, thêm 3 doanh nghiệp của Cát Đằng đã ký được hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với đối tác, tuy số lượng không nhiều nhưng đây là “quả ngọt” cho những nỗ lực của các doanh nghiệp Cát Đằng.
Xuất khẩu trực tiếp sản phẩm đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho Cát Đằng nhưng nó cũng dần bộc lộ khó khăn của làng nghề, đó là thiếu nguồn lao động tay nghề cao. Lý giải về điều này ông Ngô Thanh Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hoàn cho biết: Do Cát Đằng có một số bí quyết cổ truyền về pha sơn, phơi sấy mà chỉ có người làng nghề mới làm được hoàn hảo, thợ lao động ở các vùng vệ tinh như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… chỉ làm được phần thô nên khâu hoàn thiện bắt buộc phải làm ở làng nghề. Việc thì nhiều, trong khi đó lao động ở làng nghề lại có xu hướng giảm do sức hút từ các khu, cụm công nghiệp nên nhiều khi hàng bị tắc, rất đáng lo ngại.Để giải quyết khó khăn này, các doanh nghiệp của Cát Đằng đã “chiêu hiền đãi sỹ” bằng cách tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi như: trả lương cao, nhà ở, trợ cấp chi phí đi lại… cho người lao động ở tỉnh khác về làng làm nghề. Sau khi được các nghệ nhân, thợ giỏi của Cát Đằng đào tạo, thông qua hình thức vừa học vừa làm, thợ học việc sẽ được các DN nhận về tiếp tục truyền dạy những bí quyết của làng nghề.
Sau nhiều nỗ lực đào tạo, bên cạnh số lao động của làng nghề, Cát Đằng hiện đã tạo dựng được lực lượng hơn 600 lao động tỉnh ngoài tay nghề cao làm việc tại làng nghề. Chính lực lượng lao động này đã góp phần tạo nên những sản phẩm sơn mài độc đáo và đem lại doanh thu ngày càng cao cho làng nghề.Liên kết sản xuất, kinh doanh là hướng đi cần thiết và hoàn toàn phù hợp, điều đó đã được chứng minh qua thành quả đã đạt được của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề Cát Đằng. Và đây là bài học kinh nghiệm quý giá cho các làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên con đường nâng cao giá trị cho sản phẩm của làng nghề.
Bảo Ngọc