Ngày 20/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP, sơ kết thực hiện Nghị định 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chủ trì Hội nghị.

 

Thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP, cả nước đã xây mới 2.006 chợ, cải tạo nâng cấp được 2.984 chợ các loại, nâng tổng số chợ cả nước đến cuối năm 2012 lên 8.547 chợ. Trong tổng số chợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, số chợ đạt hiệu quả chiếm 97%. Tính chung trên các địa bàn, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 40%, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

Theo đánh giá chung, sự phát triển của hệ thống chợ đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiêu thụ hàng hóa, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, đưa hàng Việt về nông thôn và chợ truyền thống phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tỉnh đã huy động được nguồn lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn để phát triển mạng lưới chợ. Một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Kiên Giang, v.v… tuy không có (hoặc ít) sự hỗ trợ của ngân sách trung ương nhưng vẫn xây mới được khá nhiều chợ.

Cùng với sự phát triển của hệ thống chợ, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban quản lý, Tổ quản lý chợ được nâng lên. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp, HTX chợ cũng không ngừng phát triển ở nhiều địa phương. Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng các doanh nghiệp và HTX chợ đã chứng tỏ được những ưu thế của mình so với mô hình tổ chức quản lý chợ cũ: năng động hơn, có khả năng huy động được nhiều nguồn lực, có điều kiện khai thác nguồn hàng, tạo được nhiều công ăn việc làm, v.v…

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý và hộ kinh doanh trong chợ, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được chú trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hai Nghị định vẫn tồn tại những hạn chế. Trước hết là hệ thống chợ chủ yếu là chợ bán lẻ, đa số có quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng sơ sài, lạc hậu. Điều này dẫn tới, hệ thống chợ chưa tương xứng với vị trí và vai trò của chợ và chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của sản xuất kinh doanh phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tình trạng chợ hoạt động kém hoặc không hiệu quả (chiếm khoảng 3%) đã xảy ra ở một số địa phương; việc kinh doanh hàng không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái tại các chợ còn khá phổ biến.

Nguyên nhân của những tồn tại trên, theo Vụ Thị trường trong nước, đó là do hệ thống văn bản pháp luật về phát triển và quản lý chợ chưa hoàn thiện; chính sách hỗ trợ đầu tư chợ từ ngân sách nhà nước chưa được thực hiện nghiêm túc; việc quy hoạch chợ, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được chú trọng, v.v…

Đồng tình với báo cáo tổng kết, đa số các ý kiến tham luận tại Hội nghị đều khẳng định tầm quan trọng của hai Nghị định đối với việc phát triển hệ thống chợ trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã bày tỏ quan điểm về một số vấn đề. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển chợ quá ít, không đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây mới chợ trên địa bàn. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách, ông Hùng cũng cho rằng cần phải chú trọng đến công tác tuyên truyền, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp ngành và nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, đối với cơ sở hạ tầng chợ, theo đại diện của Liên minh HTX Việt Nam, cần có chính sách cho các hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ được giao quản lý đất đai hoặc thuê đất chợ trả góp trong nhiều năm; ưu tiên giao thầu lâu dài cho các hợp tác xã chuyên kinh doanh, quản lý chợ.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, sau thời gian dài triển khai Nghị định, công tác phát triển và quản lý chợ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quy hoạch chợ trên địa bàn các tỉnh đã được chú trọng đầu tư; số chợ được nâng cấp, cải tạo, xây mới ngày một tăng. Mặt khác, việc xã hội hóa đầu tư chợ đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần gia tăng số lượng và chất lượng chợ trên cả nước. Điều này đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ hàng hóa, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.

Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia kinh doanh, quản lý chợ cũng là tín hiệu tích cực. Đi cùng với đó, việc đào tạo cán bộ quản lý chợ cũng được chú trọng hơn trước. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng nhấn mạnh, việc cải tạo, xây dựng chợ mới cần đảm bảo được yêu cầu của cả người bán và người mua, không xây dựng chợ một cách duy ý chí; xã hội hóa cũng phải tuân theo nhu cầu thị trường.

Để khắc phục những tồn tại, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng cần có sự phối hợp của các Bộ ngành, địa phương liên quan cũng như của chính các doanh nghiệp và HTX. Đó là cần rà soát và bổ sung các văn bản pháp luật; đa dạng nguồn vốn hỗ trợ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Với vai trò của mình, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu các kiến nghị tại Hội nghị, nghiên cứu, xem xét và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng cho 77 tập thể và 83 cá nhân đã có nhiều thành tích trong việc triển khai thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP.
 

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương