Xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là kênh thu hút vốn đầu tư quan trọng với mục tiêu năm 2010 huy động gần 2.400 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Long tiến hành rà soát, điều chỉnh và công khai hóa các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng dân sinh (nhà ở, cấp nước, đường giao thông…) trên phạm vi từng địa phương trong tỉnh.

Các ngành đã lập 24 dự án kêu gọi đầu tư trong đó tập trung lĩnh vực hạ tầng - xây dựng 16 dự án, công nghiệp - chế biến 4 dự án, thương mại - dịch vụ 2 dự án, y tế - giáo dục 2 dự án; thực hiện sự nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tỉnh kiểm tra, rà soát lại nguồn đất công, tăng cường quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất đai, tạo mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư ngoài khu công nghiệp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có đất được chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển. Tỉnh tiếp tục củng cố hoạt động của Hiệp hội DNNVV, năm 2010 phấn đấu phát triển trên 300 doanh nghiệp, quy mô nguồn vốn hoạt động từ 5 - 10 tỷ đồng/doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội nghề nghiệp, Câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ hỗ trợ doanh nghiệp mới phát triển hoạt động ổn định và thực hiện vai trò cầu nối giữa các doanh nhân, giữa doanh nhân với các cơ quan Nhà nước - nhà tài trợ. Để hỗ trợ DNNVV tháo gỡ 2 khó khăn về nguồn vốn và nguồn lao động, tỉnh kết hợp với các ngành: tài chính, ngân hàng, thuế…xử lý kịp thời các vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và phát huy hiệu quả nguồn vốn kích cầu để tái cấu trúc lại sản xuất, điều chỉnh quy mô dự án, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư dự án từ ngân sách nhà nước. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tổ chức 6 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn, kết hợp Hiệp hội DNNVV triển khai 3 lớp đào tạo nghề cho lao động, thực hiện dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin thị trường giúp các DNNVV xây dựng chiến lược phát triển nâng cao sức cạnh tranh.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 2.340 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 5.631 tỷ đồng, 82 hợp tác xã với tổng vốn hoạt động 256,17 tỷ đồng. Qua khảo sát, trên 90% doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn bình quân 2,92 tỷ đồng/doanh nghiệp, số lượng lao động chỉ từ 10 – 25 người/doanh nghiệp, hoạt động của các DNNVV thiếu ổn định và bền vững, cơ cấu ngành, nghề chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, thương mại... Các chủ DNNVV còn yếu về năng lực quản lý doanh nghiệp, điều hành sản xuất kinh doanh mang nặng tính truyền thống gia đình, thiếu thông tin và thiếu sự liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng nguyên liệu giữa các DNNVV trong cùng ngành nghề để nâng cao sức cạnh tranh với ngành hàng cùng loại trên thị trường khu vực, trong cả nước và hướng đến xuất khẩu./.
 

Kim Phượng, TTXVN