Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo an toàn công nghiệp đã thực hiện tốt, đầy đủ các quy định về an toàn. Tuy nhiên, trên những kết quả đã đạt được, công tác vẫn còn nhiều tồn tại. Vì vậy, tại Hội nghị này, Ban Chỉ đạo cần đánh giá đúng thực trạng, xác định những nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, biện pháp để khắc phục các thiếu sót nhằm đảm bảo công tác an toàn - phòng chống cháy nổ (AT-PCCN) ngày càng hiệu quả hơn.
Báo cáo về công tác ATVSLĐ-PCCN ngành Công Thương 6 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo an toàn công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo kiên quyết, kịp thời nhằm tăng cường thực hiện công tác AT-PCCN trong ngành Công Thương. Các Tập đoàn, Tổng công ty, các đơn vị trong ngành Công Thương đã cố gắng thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn, triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ), sự cố, đảm bảo an toàn trong sản xuất. Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị, công tác AT-PCCN trong Ngành còn nhiều tồn tại, toàn Ngành vẫn để xảy ra 6 vụ cháy nổ, 342 vụ tai nạn lao động, làm 346 người bị TNLĐ, trong đó có 21 vụ TNLĐ làm chết 21 người. Số vụ cháy nổ từ các chợ, trung tâm thương mại là 8 vụ, ước tính thiệt hại 8 tỷ đồng.
Ông Tô Xuân Bảo cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã ban hành 05 thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn; Thực hiện công tác kiểm tra về AT-PCCN, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tiến hành kiểm tra công tác an toàn, phòng chống lụt bão tại 11 thuỷ điện theo chương trình thanh tra, kiểm tra năm 2015; Tổ chức thẩm định, phê duyệt 63 phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập của các công trình thuỷ điện trên 30MW; Thẩm định và chấp thuận Báo cáo đánh giá rủi ro; Chương trình quản lý an toàn; Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp đối với 9 công trình trong ngành dầu khí và khí dầu mỏ hoá lỏng; Thẩm định thiết kế Kho vật liệu nổ công nghiệp hầm lò, trữ lượng 1,8 tấn Dự án lò Mỏ than Khe Tam, Công ty than Dương Huy; Hướng dẫn tổ chức triển khai Chương trình Quốc gia về ATLĐ, VSLĐ giai đoạn 2011-2015; Chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp ngành Công Thương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi huấn về AT-PCCN.
Công tác AT-PCCN 6 tháng đầu năm của các Tập đoàn, Tổng công ty được triển khai quyết liệt. Theo đó đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hệ thống quản lý An toàn-Sức khoẻ-Môi trường tiếp tục được xây dựng, duy trì và cải tiến tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Tổ chức ứng cứu khẩn cấp được thiết lập từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Các đơn vị thuộc Tập đoàn tiếp tục duy trì hình thức kiểm tra về an toàn đầu ca làm việc; kiểm tra cấp tổ đội; kiểm tra cấp công ty, kiểm tra cấp Tổng công ty. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai thực hiện Thông tu số 43/2010/TT-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định công tác quản lý an toàn ngành Công Thương tới các đơn vị; Triển khai huấn luyện an toàn cho 104.101 người lao động.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên đã tổ chức, phân công nhiệm vụ từ lãnh đạo đến các phòng nghiệp vụ và các cán bộ chuyên trách thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN; Thành lập đội chữa cháy cơ sở, mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại toàn bộ các công trình xăng dầu. Thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ về ATVSLĐ-PCCN, kế hoạch và kết quả hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN hàng năm, v.v…
Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với công đoàn Công Thương Việt Nam, công đoàn các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương trong công tác tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN. Các Tập đoàn, Tổng công ty đã phối hợp tốt với công đoàn cùng các cấp để triển khai có hiệu quả công tác ATVSLĐ, duy trì hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, công tác ATVSLĐ-PCCN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị ngành Công Thương đã để xảy ra 342 vụ TNLĐ, làm 346 người bị TNLĐ trong đó có 21 vụ tai nạn lao động làm chết 21 người. Một trong những nguyên nhân của tồn tại này là vấn đề chồng chéo, chưa phân định rõ ràng, cụ thể giữa các Bộ, ngành trong việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định liên quan đến ATVSLĐ còn chưa được giải quyết triệt để; Nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ còn chưa đầy đủ, ý thức chấp hành luật pháp, chấp hành các quy định về kỷ luật lao động, quy trình, quy chuẩn, sự hiểu biết về ATVSLĐ-PCCN chưa cao; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tay nghề, kiểm tra sát hạch quy trình, quy chuẩn, huấn luyện về an toàn tại 1 số đơn vị còn chưa thực sự được coi trọng, còn đối phó, hình thức, v.v…
Đánh giá công tác ATVSLĐ-PCCN là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, ngành Công Thương có tính chất đại diện tiên tiến cho nền kinh tế, nhưng ở đâu đó tại các đơn vị sản xuất vẫn đang để xảy ra tình trạng những người đồng nghiệp, những người lao động phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn trong lao động thì là điều khó có thể chấp nhận được. Vì vậy, mỗi đơn vị, mỗi người quản lý phải quán triệt một cách triệt để, chặt chẽ công tác ATVSLĐ. Bởi dù đạt được nhiều thành tích, kết quả tốt trong sản xuất kinh doanh nhưng người lao động phải làm việc trong môi trường thiếu an toàn thì mọi thứ cũng trở thành vô nghĩa.
Theo ông Trần Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, do ngành nghề có tính chất đặc thù nên công tác ATVSLĐ còn có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trong những năm qua, Tổng công ty luôn quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên tuyệt đối tuân thủ quy tắc về ATVSLĐ, luôn thực hiện đúng, đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn.
Xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn trong lao động, PCCN, các đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan do thiên tai, bão lũ, công nghệ, phương tiện lao động… còn hạn chế thì nguyên nhân chủ quan còn đến từ người lao động, các cấp quản lý đã không thực hiện đúng quy trình, thủ tục và ATVSLĐ-PCCN tại đơn vị.
Ông Trần Văn Lượng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp nhấn mạnh, nếu nhìn vào con số thống kê sẽ thấy, trong 5 năm qua, số vụ TNLĐ thay đổi theo từng năm. Điều đó khiến những con người làm công tác ATLĐ phải suy ngẫm và nhìn ra được nguyên nhân cụ thể từ đó đưa ra được các phương án phòng ngừa mất ATLĐ hiệu quả, tránh trường hợp để xảy ra tai nạn mới khắc phục hậu quả và rút kinh nghiệm.
Đồng thời, ông Trần Văn Lượng cũng khẳng định, chúng ta cũng cần phải suy nghĩ, đánh giá, nhìn nhận cụ thể nguyên nhân xảy ra những sự cố mất an toàn LĐ chứ không nên đánh giá chung chung bởi mỗi một ngành nghề lại có một đặc thù riêng. Chính vì vậy, từng đơn vị phải có những đánh giá rủi ro, phòng ngừa tai nạn lao động cho chính đơn vị mình. Bản thân người quản lý, điều hành tại đơn vị phải ý thức được rõ nét vai trò, tầm quan trọng trong công tác ATVSLĐ-PCCN nếu không tất cả chỉ làm thực hiện đối phó và mang tính hình thức. Từng đơn vị phải tổ chức hội nghị, tập huấn, chia sẻ, quán triệt đến từng người lao động, coi đảm bảo ATVSLĐ-PCCN là công tác quan trọng, ngấm vào máu và trở thành văn hóa của từng đơn vị. Đồng thời, ATVSLĐ phải trở thành công cụ của người lãnh đạo, quản lý đơn vị, nếu không sẽ vẫn còn tiếp tục xảy ra thêm những sự vụ mất ATLĐ.
Đặc biệt, tại Hội nghị, nhiều đại diện tham dự cũng nhấn mạnh đến công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo công tác ATVSLĐ-PCCN tại các đơn vị, từ đó mới có thể phòng ngừa và giảm thiểu những sự vụ mất ATLĐ không đáng có.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhất trí bên cạnh nhưng kết quả đã đạt được thì công tác ATVSLĐ-PCCN vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy các đơn vị cần tiếp tục và thường xuyên chú trọng hơn nữa nhằm đảm bảo công tác ATLĐ cho con người, tài sản, trang thiết bị. Ban Chỉ đạo cũng như Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cần đề xuất thêm các phương án phòng ngừa cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng nhấn mạnh, cần đặt công tác phòng ngừa rủi ro trong lao động lên hàng đầu sau đó mới đến công tác xử lý và khắc phục hậu quả. Nâng cao năng lực, trách nhiệm an toàn, tiếp tục triển khai chặt chẽ, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ-PCCN. Ban Chỉ đạo cũng cần có những kế hoạch tập huấn cụ thể cũng như, tích cực kiểm tra, giám sát công tác ATLĐ tại đơn vị. Các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ cần nâng cao ý thức, không được dễ dãi, chủ quan. Thời điểm hiện tại đã bắt đầu mùa mưa bão, vì vậy, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguồn: moit.gov.vn