Qua những số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, kinh tế- xã hội Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đang trên đà hồi phục nhanh.


Điều đó thể hiện qua tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm nay là 6,16% so với cùng kỳ năm trước; CPI kiềm chế ở mức tăng 4,78%- là mức tăng thấp so với nhiều năm gần đây; xuất khẩu ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với với cùng kỳ. Ông Đỗ Thức, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận xét: Mặc dù tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm chưa bằng mục tiêu 6,5% đề ra cho cả năm nhưng là tốc độ tăng khá cao trong điều kiện sản xuất, kinh doanh trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tốc đột tăng GDP 6 tháng đầu năm theo xu hướng mức tăng quý sau cao hơn quý trước. Trong khi đó, kinh tế thế giới mặc dù có dấu hiệu đang ra khỏi khủng hoảng nhưng một số quốc gia lại gặp khó khăn mới như nợ công, có nước nợ công lên tới 125% GDP. Điều đó thể hiện sự nỗ lực trong các biện pháp phục hồi kinh tế của Việt Nam.


Điều đáng nói là cả 3 khu vực đều tăng trưởng. Giá trị tăng thêm của nông nghiệp tăng tới 3,31%, công nghiệp xây dựng tăng 6,5% và khu vực dịch vụ tăng 7,05%. Với diễn biến khả quan này, có thể tin rằng, GDP sẽ tăng cao hơn trong 6 tháng cuối năm, nền kinh tế trong nước đang phục hồi nhanh.Đáng chú ý, mặc dù còn khó khăn, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước tính tăng 26,7% so với cùng kỳ 2009, nếu loại trừ yếu tố giá thì vẫn tăng 16,4, là mức cao.


Xuất khẩu hàng hóa bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4 trở lại và tới nay. 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng tới 15,7%.6 tháng qua cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách bình ổn giá, kiềm chế lạm phát. Chỉ số CPI đạt mức thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Quí II, mức tăng bình quân CPI theo tháng đã giảm xuống còn 0,21% so với 1,35% bình quân tháng của quí I. Mức tăng này bằng 15,6% mức tăng bình quân tháng trong quí I và bằng một nửa mức tăng bình quân tháng trong quí II.


Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổng cục Thống kê cũng cảnh báo, 6 tháng cuối năm 2010 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà các nhà làm chính sách phải rất lưu tâm. Ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, cho rằng, với mức nhập siêu hàng hóa đạt 6,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 21% kim ngạch xuất khẩu và so với GDP chiếm 15% là vấn đề rất đáng lo ngại. Trong đó nhập siêu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với trên 6 tỷ USD. Nếu không tính xuất khẩu vàng và sản phẩm của vàng thì nhập siêu 6 tháng còn đạt tới 8,1 tỷ USD, bằng 26,2% kim ngạch nhập khẩu.


Trước đó, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cán cân tổng thể đã có cải thiện nhất định, khi năm ngoái, 6 tháng đầu năm âm 3,3 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm nay là âm 2,84 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo, mức nhập siêu mà vượt ngưỡng tỷ trọng 20% và duy trì xu hướng đó từ tháng 7 đến tháng 12 thì cuối năm, cán cân thanh toán tổng thể sẽ vẫn thâm hụt lớn.


Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại nếu chúng ta không có những đối sách hợp lý, do những tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế thế giới và kinh tế trong nước; tác động (theo độ trễ từ 6 tháng đến 1 năm hoặc lâu hơn) của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa phục vụ mục tiêu kích cầu, ngăn ngừa suy giảm kinh tế từ năm 2009 chuyển qua); tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép…


Ngoài ra, một yếu tố không thể bỏ qua, là việc Trung Quốc đã tuyên bố tăng tỷ giá đồng Nhân dân tệ từ tháng 6. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ nước này là rất lớn, tới 9,1 tỷ USD. Trong 6,7 tỷ USD nhập siêu hàng hóa 6 tháng qua thì tới 6 tỷ USD là nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Do đó, tăng giá đồng Nhân dân tệ cũng sẽ tạo ra sức ép trong việc làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.


Một khó khăn khác được Tổng cục Thống kê nhấn mạnh là việc thiếu điện trầm trọng. Thực tế vừa qua cho thấy, mặc dù sản xuất điện tăng mạnh, nhưng nhu cầu tiêu dùng điện còn tăng gấp đôi. Nếu ngành điện không điều tiết hợp lý việc sản xuất và tiêu dùng, thiếu điện kéo dài, sẽ ảnh hưởng mạnh đến tốc độ tăng trưởng của sản xuất và nền kinh tế nói chung.
 

 Báo Công Thương điện tử