Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) - Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 triển khai nhiệm vụ 2010.

Trước những diễn biến phức tạp về thiên tai có thể xảy ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, năm 2010, các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành cần chủ động đối phó, giảm thiểu hậu quả ở mức thấp nhất.

NHỮNG THIẾU SÓT TRONG NĂM 2009, CẦN RÚT KINH NGHIỆM

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang – Trưởng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN- đánh giá, năm 2009, các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đã có kế hoạch, xây dựng tốt phương án đối phó thiên tai; giảm thiểu thiệt hại cho người dân và các công trình trọng điểm… Trong đó, sở công thương các tỉnh xây dựng được kế hoạch ứng phó, dự trữ đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, đồng thời hỗ trợ các địa phương bạn khi xảy ra sự cố. Các tập đoàn, tổng công ty: Điện lực, Dầu khí, Xăng dầu, Than- Khoáng sản… đã bảo đảm an toàn tuyệt đối các hồ thuỷ điện; nhanh chóng khắc phục sự cố về dây, thiết bị, thực hiện tốt các phương án phòng chống bão, bảo đảm an toàn tại các công trình khoan, khai thác dầu khí ngoài khơi và các công trình trên đất liền; tổ chức tốt công tác cứu nạn, xử lý hiệu quả 7 vụ tràn dầu. Không để xảy ra các hiện tượng bục nước, sụt, lở bờ mỏ; bảo đảm an toàn bến bãi cho các công trình; cứu nạn thành công 15 vụ sập hầm lò, đặc biệt trong 8 ngày đêm đã cứu được 21/25 người thoát nạn trong vụ bục nước tại Xí nghiệp than Thành Công…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, vẫn còn một số thiếu sót trong PCLB-TKCN cần rút kinh nghiệm. Điều này thể hiện qua việc lập và lên phương án (năm 2009 chỉ có 12/63 Sở Công Thương và 4 tập đoàn có báo cáo về PCLB-TKCN gửi Bộ Công Thương). Ngoài ra, một số đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong công tác chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó; chưa thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Cá biệt, công tác cung cấp hàng và quản lý giá chưa kịp thời nên một số mặt hàng thiết yếu tăng giá cục bộ trong thời điểm xảy ra mưa bão. Công tác đảm bảo dự trữ về tài chính, nhiên liệu và phuơng tiện vật tư cho PCLB-TKCN chưa được đầy đủ nên ảnh hưởng đến việc khắc phục hậu quả. Việc tuyên truyền và huấn luyện nâng cao nhận thức cộng đồng chưa được coi trọng.

CHỦ ĐỘNG ĐỐI PHÓ VỚI THIÊN TAI

Để chủ động đối phó với thiên tai năm 2010, Bộ Công Thương đã ra chỉ thị về công tác PCLB-TKCN. Theo đó, việc chuẩn bị, phòng ngừa phải được thực hiện đầy đủ theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Các sở công thương, tập đoàn, tổng công ty, công ty và các đơn vị trực thuộc cần củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy PCLB-TKCN theo cấp quản lý; triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Cụ thể: đối với các Sở Công Thương, cần xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như: mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu… sẵn sàng cung cấp cho vùng thiên tai, lụt bão. Chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các doanh nghiệp trong ngành Công Thương trên địa bàn; xây dựng phương án và kế hoạch phòng chống lụt bão. Đối với các tập đoàn chủ chốt: Dầu khí, Than-Khoáng sản, nhất là Điện lực… cần chỉ đạo các nhà máy thủy điện rà soát lại các quy trình vận hành hồ chứa để bổ sung, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý, bảo đảm tham gia điều tiết, phòng chống lũ cho hạ du và an toàn cho công trình. Xây dựng các phương án phòng chống lụt bão, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo an toàn cho tất cả các đập thủy điện. Với Tập đoàn dầu khí, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, thực hiện đảm bảo cho các công trình – đặc biệt là các công trình khoan, khai thác hoạt động ngoài khơi, các phương tiện nổi, kho cảng.Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam thực hiện kế hoạch dự trữ và sẵn sàng cung cấp xăng dầu cho các đơn vị trong vùng bị thiên tai ngay cả trong điều kiện bất lợi, đảm bảo an toàn.
 

Nguồn: moit.gov.vn