Thứ trưởng Bộ Công Thương- Lê Dương Quang cho biết: Khi có thông tin cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, Bộ Công Thương đã gửi công điện khẩn đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty xăng dầu. Trong đó, nêu rõ những chỉ đạo và yêu cầu tất cả các tập đoàn cũng như địa phương rà soát phương án phòng chống bão, có phương án đối phó huy động người, trang thiết bị… trước hết để bảo vệ tài sản của mình, sau đó ứng phó phục vụ chung cho công tác phòng chống lụt bão.
Công điện đặc biệt nhấn mạnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung bảo vệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các công trình dầu khí trên biển. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phải có phương án rà soát lại mức nước ở các hồ chứa, xả bớt nước bảo đảm an toàn hồ đập… Đồng thời, tập trung phương tiện, vật tư, con người để kịp thời xử lý khi có sự cố, sớm cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt. Đối với Tổng công ty xăng dầu, chú ý nắm lại cơ số xăng dầu dự trữ, chuẩn bị sẵn sàng phương án cung cấp xăng dầu phục vụ chống bão lụt, nhất là vùng bị chia cắt. Công điện cũng yêu cầu Sở Công Thương các địa phương phải rà soát nắm lại nguồn hàng, chủ yếu là mì tôm, nước uống vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, sẵn sàng có phương án phối hợp với các ban ngành khác để đưa hàng hóa ứng cứu kịp thời những vùng chia cắt, thiệt hại nặng… Sau bão công tác quản lý thị trường phải được quan tâm đặc biệt để tránh việc nâng, ép giá…
Cơn bão với sức gió siêu mạnh đã đổ vào khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) làm hàng trăm tàu thuyền bị chìm. Mưa to, gió lớn giật tung hàng nghìn ngôi nhà ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, thông tin ban đầu đã có hàng chục người chết trong mưa bão. Hầu như toàn bộ nhà dân ở đảo Lý Sơn đã bị bão làm tung mái. Giao thông tê liệt hoàn toàn trên đường từ Quảng Ngãi vào đến Dung Quất. Tại vùng "tâm bão" từ Quảng Trị đến Quảng Nam, giao thông gần như tê liệt, điện trong vùng đã bị cắt hoàn toàn.
Theo ông Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, công tác ứng phó cơn bão dữ đã được Tập đoàn chủ dộng triển khai quyết liệt từ nhiều ngày trước đó. Lãnh đạo Tập đoàn, cùng cán bộ công nhân viên nhà máy ứng chiến 24/24 giờ với 100% quân số. Tuy nhiên, do sức tàn phá ghê gớm của gió bão, đến chiều ngày 29/9, tại nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã có một số nhà xưởng bị tốc mái. Do có sự chuẩn bị kịp thời trước khi bão vào nên thiệt hại đã được giảm thiểu…
Quảng Nam đã tổ chức, cung cấp đủ mì tôm, nước uống cho người dân trong vùng nguy hiểm di dời dân đến nơi trú ẩn an toàn. Thị xã Hội An đã chìm trong mưa, gió giật từng cơn đe dọa những ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm. Điện, nước đã bị cắt, hàng ngàn du khách bị kẹt lại trong các khách sạn, không thể di chuyển được.
Tại Thừa Thiên- Huế, ông Võ Phi Hùng- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, hiện nay 2 huyện Phú Lộc và Phú Vang ven Phá Tam Giang là những huyện đã bị chia cắt hoàn toàn, có nhiều điểm không thể liên lạc được. Cho đến thời điểm này, ngành Công Thương đã đưa về 240 tấn gạo và trên 200 tấn mỳ ăn liền để cứu đói cho dân.
Theo ông Hoàng Như Thịnh- Giám đốc công ty Xăng dầu Thừa Thiên- Huế, tất cả các cửa hàng xăng dầu đã được lệnh ứng trực 100%, nhiều cửa hàng bị tốc mái và sập hàng rào trong đó 3 cửa hàng số 10, số 4 và số 2 bị ngập sâu trong nước và phải tháo các cọc bơm, khẩn cấp di dời đi nơi khác.
Ở thành phố Huế, nước đang tiếp tục dâng cao, các trục đường chính nước đã ngập 0,5m. Chợ Đông Ba hiện đã ngập sâu trong nước. Các tiểu thương đã di dời hàng hóa ra đại lộ Trần Hưng Đạo. Tại khu vực Thành Nội, có nơi nước ngập sâu 1,5m các phương tiện không thể vào được.
Quang Dương- Minh Tích