Nâng cao chất lượng công tác dự báo; quyết liệt kiềm chế nhập siêu; xúc tiến thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho những công trình then chốt, trọng điểm… là những nhiệm vụ chủ yếu của ngành Công Thương trong năm 2011.


Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, nền kinh tế Việt Nam từng bước hướng tới sản xuất tự chủ, đồng thời hoạt động sản xuất chuyển đổi từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu nhằm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về những nhiệm vụ trước mắt của ngành nhằm hiện thực hóa hướng đi trên.

Thưa Bộ trưởng, một trong những hạn chế của năm 2010 đã được Chính phủ chỉ rõ đó là công tác dự báo, phân tích của ta còn hạn chế, và một trong những nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong năm 2011 là tăng cường công tác dự báo, phân tích để có những quyết sách chính xác. Vấn đề này sẽ được Bộ triển khai như thế nào trong năm nay?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đúng là theo đánh giá chung của Chính phủ, một trong những hạn chế của năm 2010 là hiệu quả, mức độ chính xác của công tác dự báo và đây cũng là một trong những hạn chế của ngành Công Thương. Chẳng hạn như dự báo về thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước, vấn đề dự báo cung cầu của một số mặt hàng, về diễn biến giá cả còn chưa đáp ứng được… Chính những hạn chế của công tác dự báo đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước và chất lượng công tác tham mưu của Bộ Công Thương cho Chính phủ, cho Trung ương.

Nhận thức được hạn chế này, trong năm 2011, Bộ chủ trương thực hiện một số công việc, đó là tăng cường vai trò và trách nhiệm của các đơn vị làm công tác tham mưu, đặc biệt là các đơn vị có tính chất tham mưu tổng hợp như Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Xuất nhập khẩu và các cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Viện Nghiên cứu thương mại, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại... Đây là những đơn vị đầu mối trong việc đưa ra các dự báo hết sức quan trọng.

Thứ hai, Bộ chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị phụ trách các lĩnh vực sản xuất, lưu thông, phân phối, phải bám sát, nắm bắt diễn biến tình hình trên thực tế, qua đó đưa ra các nhận định, dự báo về khả năng phát triển của lĩnh vực, của Ngành trong thời gian tới.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động nắm bắt thông tin của các cơ quan thương vụ ở nước ngoài để kịp thời phản ánh những xu hướng thị trường, nhất là diễn biến nhu cầu đối với các mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu; diễn biến xu thế tiêu dùng của các nước; thông tin về chính sách của nước sở tại...

Thứ tư, tăng cường công tác phân tích, đánh giá số liệu, đồng thời tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan sẽ giúp cho công tác dự báo sát và phù hợp hơn.

Theo lộ trình, đến năm 2015, nước ta phải từng bước bảo đảm cán cân thương mại xuất nhập khẩu cân bằng. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp kiểm soát nhập siêu sẽ được Bộ thực hiện trong năm 2011?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:Năm 2007 tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu xấp xỉ 29,2%, năm 2008 tỷ lệ nhập siêu giảm xuống còn 28,8%, năm 2009 tỷ lệ này là 22,5% và năm 2010 nhập siêu còn 17,5%...
Kiềm chế nhập siêu tiến tới cân bằng cán cân thương mại trong thời gian tới là việc làm hết sức khó khăn trong bối cảnh chúng ta đang tăng cường đầu tư. Bởi phần lớn nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu, máy móc thiết bị đều phải nhập khẩu. Vì vậy, việc hạn chế nhập khẩu ngay lập tức là một nhiệm vụ rất khó khăn. Hiện nay, việc hạn chế nhập khẩu khá hiệu quả tập trung vào các nhóm các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm và một số máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, trong thời gian tới việc đầu tiên vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu có tính chiến lược và dài hạn đã được Chính phủ chỉ đạo trong những năm qua. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, tăng cường biện pháp kỹ thuật vừa đảm bảo chúng ta vừa tuân thủ cam kết trong thương mại quốc tế, đồng thời cũng tạo điều kiện sản phẩm trong nước phát triển, hạn chế nhập khẩu những sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

Một vấn đề nữa, tôi cho rằng phải tính toán và điều chỉnh cơ cấu đầu tư, làm sao chúng ta kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực tạo ra của cải vật chất thay vì những dự án trong lĩnh vực phi sản xuất.

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu và sẽ sớm trình Chính phủ. Chiến lược xuất nhập khẩu đề cập nhiều nội dung, bao gồm cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu, phát triển khai thác những thị trường tiềm năng như Châu Phi, Mỹ La-tinh, thị trường truyền thống như SNG và các nước Đông Âu khác cũng như đa dạng hóa các thị trường, và sẽ có những biện pháp hết sức cụ thể khắc phục nhập siêu đối với từng đối tác, từng thị trường và mặt hàng.

Nghị quyết Đại hội Đảng XI xác định, kinh tế trong thời gian tới phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu và từng bước đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Thưa Bộ trưởng, Bộ Công Thương sẽ hiện thực hóa mục tiêu này trong thời gian tới như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Bộ đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới. Trong đó, sẽ cụ thể hóa những định hướng quyết sách đã nêu trong Nghị quyết về tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho những công trình then chốt, trọng điểm và về chỉ đạo điều hành hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động của ngành nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của bộ máy hiện nay, sự phối hợp với các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp... Các chương trình hành động này sẽ được triển khai ngay trong năm nay.

Năm 2011 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2011-2015), việc thành công của kế hoạch có sự đóng góp rất quan trọng từ phía các doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng có lời khuyên gì đối với lực lượng này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thành công của các mục tiêu kinh tế đất nước trước hết là vai trò quyết định từ doanh nghiệp. Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng xây dựng cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc và tạo ra các điều kiện, môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Với góc độ quản lý, Bộ đã và sẽ luôn ủng hộ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong bối cảnh năm 2011 còn nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động linh hoạt nắm bắt thời cơ. Phải tự tin nhưng cũng không chủ quan. Tôi cho rằng các doanh nhân nên học hỏi kinh nghiệm thành công và cả thất bại của người đi trước và cũng cần nhìn nhận, tự đánh giá hết sức nghiêm túc về hoạt động của chính mình trong thời gian qua. Với mong muốn đó, tôi tin chắc rằng, vinh quang sẽ đến với những người dũng cảm, những người năng động, những người dám xả thân vì sự nghiệp chung và vinh quang cũng chỉ đến với những người có tâm với nhân dân, với đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!