TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP - LÀNG NGHỀ
Bước vào tuổi 76, sức khỏe không còn tốt nhưng ông Phạm Trần Canh, thương binh hạng 2/4 ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai( Hà Nội) vẫn luôn được coi là “ người giữ lửa “ cho làng nghề. Bởi lẽ, ông là người thợ hiếm hoi của làng nón Chuông nổi tiếng còn duy trì được nghề làm những chiếc nón nón nghệ thuật tinh xảo, cầu kỳ.
 
 Sinh ra và lớn lên ở làng Chuông, 9- 10 tuổi ông Canh đã biết làm nhiều mẫu nón cổ truyền. Những năm tháng chiến tranh, ông xung phong vào bộ đội và để lại một phần cơ thể ở chiến trường. Sau giải phóng miền Nam, ông trở về quê hương, tham gia công tác chính quyền ở địa phương. Trăn trở trước thực trạng, nghề làm nón ở làng Chuông vẫn phát triển song cả làng không còn ai biết làm những chiếc nón cổ, nón thúng quai thao để phục vụ biểu diễn nghệ thuật hoặc trang trí, trưng bày, ông Canh đã quyết tâm khôi phục lại nghề.
 
   Hành trình làm” sống lại” nghề làm nón cổ của ông thật không đơn giản. Với chiếc xe đạp lọc cọc và một chân còn lại, ông đã đi nhiều nơi, lên tận bắc Thái, Bắc Ninh, Hòa Bình… tìm mua những chiếc nón quai thao, nón của người dân tộc Thái, để ý từng hoa văn, vành nón, nếp lá để hồi tưởng lại cách làm những chiếc nón cổ mà ông đã từng được bà, được mẹ dạy khi còn bé thơ. Đôi bàn tay chai sạn của người thương binh giờ ngồi tỉ mẩn chắp nối từng vành tre mỏng mảnh, uốn thành khuôn nón, là từng cọng lá, khâu từng mũi kim thật không đơn giản. Ông Canh cho biết: Một chiếc nón quai thao cổ thường phải ghép bằng 4 lọn lá được lấy từ búp của cây cọ, rồi đem phơi nắng, là nóng, ép phẳng mới thành. Phía bên trong nón thường được ghép bằng những mảnh vải sặc sỡ, quai buộc nón cũng được kết bằng những sợi chỉ nhiều màu sắc. Làm nón cổ cũng công phu và phức tạp hơn nhiều so với làm một chiếc nón đội đầu thông thường. Từ khâu làm lá, lắp lá vào hay còn gọi là quay nón rồi khâu nón, cạp nón, trang trí… đều đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì, khéo léo để nón được tròn, được khít, mịn từ mép lá đến đường kim mũi chỉ.
 
 Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều đoàn nghệ thuật và du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trực tiếp xem người nghệ nhân già thao tác từng công đoạn để hoàn thiện chiếc nón. Đặc biệt, năm 2001, ông đã hoàn thiện 2 chiếc nón thúng quai thao khổng lồ có đường kính tới 2 m để tham dự triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ tại nước Đức và Cộng hòa Séc.
 
 Giờ đây, tuổi dã cao, sức khỏe hạn chế nhiều nhưng nghệ nhân Phạm Trần Canh vẫn không ngừng sáng tạo. Ngày ngày, ông vẫn cần mẫn với công việc làm nón. Nghề làm nón cổ được ông phục hồi chẳng những giúp người thợ làng nón có thêm thu nhập, nâng cao giá trị của sản phẩm làng nghề mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Thế nhưng, điều người nghệ nhân già này luôn canh cánh trong lòng hiện nay là đa số thợ làm ở làng Chuông không còn mấy “mặn mà” với nghệ thuật làm nón cổ vì lợi nhuận thấp lại khó làm. Bởi vậy, được truyền nghề cho lớp thợ trẻ, được giảng giải về cái đẹp, nét văn hóa đặc sắc thể hiện trong từng chiếc nón cổ là mong mỏi lớn nhất của người thương binh- nghệ nhân tài hoa này./.
 
       ARID