Tôi có cơ hội về thăm làng gốm Hương Canh cách đây không lâu, ấn tượng trong tôi là những mái nhà cổ kính, nhuốm màu thời gian, những con ngõ nhỏ dài hun hút và những bức tường được xây không phải từ gạch mà là từ những mảnh gốm, những chiếc quách gốm bị phồng. Tôi hiểu rằng, nghề gốm đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây cho dù đã bị nghiêng ngả trước thời gian, lao đao trước những khó khăn nhưng gốm vẫn là hơi thở, là cuộc sống của người dân Hương Canh. Và tôi chỉ cảm nhận chân thực nhất điều này khi tôi gặp ông Nguyễn Thanh - nghệ nhân kỳ cựu của làng gốm.
Với giọng trầm ấm Ông kể cho tôi nghe về những thăng trầm của làng nghề, rằng: tính đến nay làng gốm đã có đến hơn 300 tuổi, tổ nghề là ông Trịnh Xuân Bền người đã có công mang nghề về làng. Gốm Hương canh sở dĩ nổi tiếng có lẽ một phần do sự ưu đãi của thiên nhiên đối với vùng đất này, nằm ở nơi tiếp giáp giữa trung du và đồng bằng nên đất sét của Hương Canh dẻo và có rất nhiều màu sắc như: xám, vàng, đỏ, nâu… rất thích hợp cho việc làm gốm. Cùng với đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây gốm Hương Canh đã có một thời rất nổi danh với những sản phẩm gia dụng như: nồi, niêu, chum vại… Đặc biệt với màu da lươn tự nhiên thương hiệu gốm Hương Canh đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến.
Nhưng rồi dưới tác động của thị trường sản phẩm gốm Hương Canh không còn được ưa chuộng như xưa nữa, nghề truyền thống của làng cũng theo đó mà mai một. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo nghệ nhân Nguyễn Thanh thì nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm của làng nghề quá đơn điệu, chỉ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày nên bị lạc hậu so với nhu cầu tiêu dùng.Là một người đã gần 70 năm gắn bó với nghề, chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Thanh đã cất công về làng gốm Bát Tràng tìm hiểu về mẫu mã sản phẩm, cách tiếp cận mở rộng thị trường cũng như cách quảng bá sản phẩm… Rồi cặm cụi thử nghiệm, cặm cụi mang sản phẩm đi các hội chợ, triển lãm… Ông đã tìm được hướng phát triển phù hợp cho sản gốm Hương Canh với dòng gốm nghệ thuật.Biết rằng, làm gốm nghệ thuật cái đòi hỏi lớn nhất là phải có sự thay đổi thường xuyên về mẫu mã, nghệ nhân Nguyễn Thanh đã mạnh dạn đầu tư cho khâu thiết kế. Gia đình ông không chỉ thuê hẳn một hoạ sỹ chuyên nghiệp về cùng Ông tạo mẫu mà được sự động viên của cha, ba người con của ông cũng đã theo học Đại học và Trung cấp Mỹ Thuật để tiếp tục thừa kế và phát triển nghề truyền thống của gia đình.
Ủng hộ quyết tâm của nghệ nhân Nguyễn Thanh và những người tâm huyết với nghề ở Hương Canh, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh thực hiện Đề án Khôi phục làng nghề gốm Hương Canh. Trung tâm Khuyến công đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình từ 5-10 triệu đồng tùy theo quy mô của lò gốm. Trung tâm cũng đã tư vấn cho UBND tỉnh quy hoạch 5,5ha tại Đồng Bèo để giúp các hộ có mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, nhằm quảng bá sản phẩm cho gốm Hương Canh, trong suốt một thời gian dài Trung tâm Khuyến công tỉnh đã sát cánh với gia đình nghệ nhân Nguyễn Thanh đưa sản phẩm tới các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm gốm Hương Canh trên trang web của Tỉnh… Ngoài ra, Trung tâm còn như đầu mối giới thiệu các đoàn khách đến thăm quan. Với rất nhiều sự nỗ lực từ những con người tâm huyết với nghề và sự góp sức từ phía chính quyền, làng gốm Hương Canh đã bắt đầu hồi phục với gần chục hộ gia đình quay lại với nghề. Riêng gia đình nghệ nhân Nguyễn Thanh, sau nhiều cố gắng sản phẩm của gia đình Ông đã được biết đến rộng rãi cả ở trong và ngoài nước. Hiện nay, mỗi tuần gia đình ông sản xuất ra khoảng 200 sản phẩm, đem lại lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm. Những sản phẩm gốm mỹ nghệ của gia đình Ông như bình hoa, tượng nghê, tượng bán thân, rồng cách điệu… đặc biệt hấp dẫn khách nước ngoài. Nhiều khách hàng từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… đã về tận gia đình Ông đặt hàng. Vậy là những nỗ lực của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thanh đã ra quả ngọt, điều đó cũng đem lại hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho gốm Hương Canh.
Phạm Kim