Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trước các đại biểu Quốc hội sáng 6/11 khi Bộ trưởng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia ngành Công nghiệp, bao gồm: Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất và Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La.

Dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 514/TTg ngày 10/7/1997 và điều chỉnh Dự án đầu tư tại Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 17/6/2005, giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- PVN) làm Chủ đầu tư.

Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất: Cơ bản hoàn thành xây lắp, đảm bảo tiến độ khởi động và chạy thử.

Trong phần trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 15/10/2009, Tổ hợp Nhà thầu Technip đã hoàn thành hầu hết các phân xưởng công nghệ và toàn bộ các phân xưởng phụ trợ (l0/10) của Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (12/14) và đã hoạt động an toàn, ổn định ở mức 90 - 100% công suất, đảm bảo cung cấp đủ điện, hơi, nước, nước khử khoáng, Nitơ, khí điều khiển... cho các phân xưởng công nghệ chạy thử.

Cụ thể, ngày 22-29/10/2009, Ban quản lý Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Tư vấn quản lý Dự án, Nhà thầu trợ giúp việc vận hành, Nhà thấu Technip và Nhà cung cấp bản quyền đã đạt được các thỏa thuận về các thông số chạy nghiệm thu cơ bản cho các phân xưởng chính của Nhà máy. Trong đó, phân xưởng chưng cất dầu thô bắt đầu chạy nghiệm thu từ 26 đến 29/10; Phân xưởng cracking xúc tác (RFCC) chạy nghiệm thu từ 27-30/10; Cụm phân xưởng bản quyền xử lý xăng nhẹ naphtha (NHT), phân xưởng reforming xúc tác (CCR) bắt đầu chạy nghiệm thu từ ngày 01-04/11, kết quả đều đạt yêu cầu an toàn khi chạy ở 100% công suất trong 72 giờ và tất cả các sản phẩm sau kiểm tra đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, phân xưởng xử lý dầu Diezel cũng đã vận hành ở 100% công xuất từ ngày 26/10.

Với sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm từ JGC, Idemmitsu (của Nhật Bản) và Petronas (của Malaysia), Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất đã soạn thảo và phê duyệt toàn bộ 901 quy trình vận hành, và phần lớn các quy định khác (76 quy trình bảo dưỡng và 90 quy trình vận hành an toàn và 102 quy trình cho Phòng thí nghiệm). Theo kế hoạch, sẽ hoàn tất toàn bộ công việc soạn thảo các quy trình vào ngày 30 tháng 10 năm 2009, sẵn sàng cho giai đoạn nhận bàn giao chính thức Nhà máy từ Nhà thầu Technip.

Xuất phát từ năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ vận hành của Chủ đầu tư, các yêu cầu công việc ảnh hưởng đến hợp đồng với nhà thầu Technip như chạy nghiệm thu sau bàn giao sơ bộ, kiểm tra, đánh giá tình trạng nhà máy trước khi nghiệm thu cuối cùng, cùng với sự tư vấn của PMC, Nhà thầu Technip và tham khảo kinh nghiệm từ các Nhà máy lọc dầu khác trên thế giới và trong khu vực, giải pháp cần thiết để vận hành hiệu quả và an toàn Nhà máy trong giai đoạn đầu là tìm kiếm và thuê Tư vấn trợ giúp vận hành, bảo dưỡng nhà máy có kinh nghiệm sau khi nhận bàn giao từ Nhà thầu TPC.

Ban quản lý dự án và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã mời các Nhà thầu trợ giúp vận hành và bảo dưỡng Nhà máy từ các đối tác có kinh nghiệm như Petronas (Malaysia); KBC/SK (Anh/Hàn Quốc) tham gia; sau quá trình đánh giá hồ sơ và đàm phán, ngày 15/9/2009 Chủ đầu tư đã lựa chọn và ký hợp đồng trợ giúp vận hành, bảo dưỡng Nhà máy với đối tác SK/KBC của Hàn Quốc (Anh/Hàn Quốc)

Đến 22/8/2009, Nhà thầu Technip đã trình kết quả phân tích một số đặc tính chính của mẫu dầu thô và tiến hành chạy mô hình để đưa ra hiệu suất của các phân đoạn chưng cất (khí nhẹ, khí hóa lỏng (LPG), xăng nhẹ (Naphtha) dầu hỏa, dầu diesel nhẹ (LGO), dầu diesel nặng (HGO) và phần cặn (residue) làm cơ sở tính toán các thông số chạy nghiệm thu Nhà máy.

Ngày 17/9/2009, Nhà thầu Technip đã trình toàn bộ kết quả phân tích mẫu dầu thô và kết quả chạy mô hình phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU). Ngay sau khi nhận được kết quả, Ban quản lý dự án đã có báo cáo Tập đoàn và đề nghị cử nhân sự tham gia các cuộc họp điều chỉnh thông số chạy nghiệm thu Nhà máy. Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban quản lý dự án và Tư vấn quản lý Dự án (PMC) đang khẩn trương làm việc với nhà thầu Technip và nhà cung cấp bản quyền công nghệ để thống nhất các thông số chạy nghiệm thu và hiện đã hoàn thành.

Đồng thời, đã tổ chức nghiên cứu, ký kết hợp đồng khung với các đối tác nước ngoài về cung cấp nguồn dầu thô thay thế cho nhà máy khi sản lượng dầu thô Bạch Hổ (hiện là nguồn cung cấp chủ yếu cho Nhà máy) sụt giảm. Xây dựng kế hoạch chủ động nguồn cung cấp dầu thô cho Nhà máy giai đoạn vận hành, trong đó chú trọng nguồn dầu thô nhập khẩu.

Như vậy đến nay, tất cả các phân xưởng công nghệ quan trọng, quyết định hiệu suất và chất lượng sản phẩm của Nhà máy đã đạt đến xấp xỉ 100% công suất vận hành. Các hạng mục công trình chung và hạ tầng cơ sở phục vụ vận hành Nhà máy cũng đã được hoàn thành, gồm 1km tuyến đường vào nhà hành chính, tuyến cáp đôi 22kv phục vụ giai đoạn vận hành; cầu vượt dân sinh cắt qua tuyến ống dẫn sản phẩm, hàng rào bảo vệ hành lang tuyến ống, khu nhà ở đành cho cán bộ, công nhân viên tại Vạn Tường, . . .

Cùng với đó, các hạng mục đê chắn sóng, cảng xuất sản phẩm, nhà hành chính, xưởng bảo dưỡng cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, hiện Ban quản lý dự án và Nhà thầu Technip đang triển khai công tác thanh quyết toán.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP), theo báo cáo của Chính phủ, đến hết tháng 10 năm 2009, Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene đã triển khai thi công được 21 tháng (trên tổng số 28 tháng tiến độ theo kế hoạch) đạt 95,55%, vượt 0,39% theo kế hoạch. Cụ thể, đã hoàn thành công tác thiết kế; hoàn thành 98,23% công tác mua sắm, vượt 0,18% so với kế hoạch; công tác xây dựng đã đạt 91,62%, vượt 1,01% so với kế hoạch.

Về tổng thể, tiến độ thi công được đánh giá là đã vượt so với kế hoạch, tuy nhiên, công tác thi công hệ thống điện, lắp dựng kết cấu thép cho nhà kho và lắp mái nhà đóng gói sản phẩm còn chậm. Ban quản lý dự an đã yêu cầu Nhà thầu HEC thực hiện nghiêm túc các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đã thống nhất giữa Ban quản lý dự an, Tư vấn quản lý dự án và Nhà thầu.

Nguồn nhân lực vận hành đã sẵn sàng

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy sản xuất Polypropylene, đến nay, Ban quản lý dự án đã tuyển dụng 1.046 nhân sự vận hành theo sơ đồ tổ chức vận hành đã được phê duyệt.

Ban quản lý dự án cũng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo trong và ngoài nước với các hình thức khác nhau, trong đó quan trọng nhất là hình thức đào tạo thông qua các công việc thực tế trên công trường dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ nhà thầu Technip và nhà tư vấn quản lý dự án.

Đến thời điểm hiện tại, các kỹ sư, cán bộ, nhân viên của Ban QLDA đã đảm nhận việc vận hành phần lớn các phân xưởng của nhà máy như: các phân xưởng sản xuất phụ trợ (nước, nitơ, khí nén,...), các khu vực bể chứa, khu cảng xuất sản phẩm . . . Ngoài ra, công tác nhập dầu thô từ tàu dầu (đến hết tháng 10/2009 đã nhập được 15 chuyến với khối lượng 1,2 triệu tấn dầu thô) và việc xuất sản phẩm ra xe bồn và tàu biển cũng hoàn toàn được các kỹ sư, cán bộ, nhân viên của Ban QLDA điều hành và thực hiện với một số trợ giúp tối thiểu từ nhà thầu TPC.

Về nguồn nhân lực vận hạnh Nhà máy sản xuất Polypropylene, hiện đã hoàn thành khóa đào tạo cơ bản do Nhà thầu Huyndai tổ chức và các khóa đào tạo ngắn hạn tại xưởng sản xuất của các Nhà cung cấp thiết bị chính của dự án.

Ngày 25 tháng 7 năm 2009, Ban QLDA đã đánh giá, lựa chọn và điều động 33 học viên tham dự khóa đào tạo tại Nhật Bản do Nhà cung cấp bản quyền MCI tổ chức. Khóa học đã hoàn thành và 33 học viên đã về nước sẵn sàng tham gia vào quá trình vận hành nhà máy.

Như vậy, về tổng thể các lực lượng của Ban quản lý dự án đã từng bước đảm nhận các khâu vận hành và bảo dưỡng Nhà máy, qua đó chứng tỏ được năng lực thông qua các công việc hàng ngày trên công trường.

Sẵn sàng bàn giao

Được sự quan tâm, chỉ đạo và giám sát tích cực của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội, sự nỗ lực của Chủ đầu tư, Ban QLDA, Tư vấn và các nhà thầu trong và ngoài nước, các gói thầu đã cơ bản hoàn thành, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chuyển sang giai đoạn vận hành chạy thử.

Tuy nhiên do trục trặc kỹ thuật tại phân xưởng cracking xúc tác nên tiến độ bàn giao Nhà máy sẽ chậm lại một thời gian so với kế hoạch (mốc bàn giao sơ bộ Nhà máy vào ngày 25 tháng 10 năm 2009) Hiện nay, Ban quản lý dự án đang tiếp tục nghiên cứu, xác định một cách chính xác nguyên nhân dẫn đến các sự cố kỹ thuật như đã báo cáo để có giải pháp khắc phục triệt để về lâu dài, nhằm bảo đảm vận hành an toàn Nhà máy.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án đang khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ: Yêu cầu Nhà thầu khẩn trương xử lý các tồn tại được phát hiện trong quá trình vận hành chạy thử; Hoàn thành các quy trình, sổ vận hành, bảo dưỡng Nhà máy và tổ chức luyện tập thường xuyên cho các kỹ thuật viên vận hành; Hoàn thành ký hợp đồng thuê Nhà thầu vận hành, bảo dưỡng Nhà máy; Thoả thuận với Nhà thầu Technip các thông số liên quan đến chất lượng dầu thô phục vụ chạy thử trước khi nghiệm thu, bàn giao; Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Khu giới thiệu toàn cảnh Nhà máy lọc dầu và khu vực xóm Đồng Tre và triển khai thi công các hạng mục liên quan; Phấn đấu hoàn thành quyết toán toàn bộ công trình sau 6 tháng kể từ khi nhận bàn giao Nhà máy… để đảm bảo bàn giao Nhà máy trong tháng 12/2009 hoặc chậm nhất vào đầu tháng 01/2010.

Cũng trong sáng qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thự hiện Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La.

Theo đánh giá tại Báo cáo này, các Bộ ngành, địa phương liên quan và các đơn vị tham gia Dự án đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, tồn tại nhất là đối với các Dự án thành phần, trong đó có Dự án tái định cư.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện Dự án hết sức quan trọng này, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu kiểm tra trình tự thủ tục đầu tư các dự án thành phần, thực hiện cơ chế, chính sách ở Dự án di dân tái định cư... để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề ra các giải pháp giải quyết dứt điểm, đặc biệt lưu ý đến việc tạm giao đất song song với công tác hoàn thiện thủ tục để giao đất chính thức; huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân... để có thể hoàn thành dự án quan trọng này trong thời gian sơm nhất.


Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất là một dự án lớn, phức tạp, có trình độ công nghệ cao, được Đảng và Nhà nước ta đầu tư bằng chính nội lực Việt Nam.

Qua dự án này, trình độ năng lực quản lý các dự án lớn, trình độ công nghệ của Việt Nam được nâng cao đáng kể, khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng, kinh nghiệm để đáp ứng việc xây dựng và vận hành những công trình, dự án, nhà máy tương tự trong tương lai. Điều đó một lần nữa khẳng định quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất của Đảng, Nhà nước và của Quốc hội là đúng đắn.

Đến ngày 15/8/2009, Nhà máy đã sản xuất được 38.888 tấn khí hóa lỏng; 198.775 tấn xăng A92; 142.130 tấn dầu Diezel; 38.083 tấn dầu hỏa và 18.153 tấn dầu FO. Các sản phẩm xăng dầu của Nhà máy, theo kiểm tra và xác nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đều đạt chất lượng theo Quy chuẩn Quốc gia và Tiêu chuẩn Quốc gia.

Theo: Báo CT