Quy hoạch Công nghiệp địa phương
Cùng với giá chi phí đầu vào tăng, mặt bằng sản xuất hạn chế Nhị Khê hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động lành nghề, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề.

Thôn Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện thường Tín) là làng nghề tiện gỗ truyền thống nổi tiếng của thành phố Hà Nội, với lịch sử hơn 100 năm sản phẩm gỗ tiện của Nhị Khê từ những sản phẩm trang trí như: tượng, cối , lọ, bộ pha trà… hay những sản phẩm dân dụng như: tay vịn, chân ghế, hạt xâu mành, chiếu gỗ…đều được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ sản xuất trên chất liệu gỗ, khoảng 5 năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm của làng nghề, Nhị Khê đã mở rộng sản xuất các sản phẩm trang trí sang các chất liệu xương, sừng, đá, ngà…

Theo lời của ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng thôn Nhị Khê, nghề tiện gỗ của Nhị Khê hiện nay không còn là nghề phụ nữa mà đã là nghề chính đem lại phần lớn thu nhập cho người dân trong thôn. Năm 2010, doanh thu từ nghề đạt hơn 10 tỷ đồng, chiếm 80% tổng thu nhập của toàn thôn và khoảng 75% lao động trong tổng số hơn 1.000 lao động của thôn làm nghề. Có thể nói, nghề tiện gỗ truyền thống không chỉ đem lại cuộc sống ấm no mà còn là nghề giúp người dân Nhị Khê làm giàu.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết thêm, khoảng 2 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhị Khê gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Chỉ riêng giá gỗ năm nay so với năm 2010 đã tăng gấp đôi, ví như 1kg gỗ xã cừ năm 2010 chỉ có giá khoảng 20-25.000 đồng sang năm nay chúng tôi đã phải mua với giá từ 45-50.000 đồng. Thêm vào đó, mặt bằng cho sản xuất của làng nghề hiện đang rất thiếu, phần lớn các CSSX, tổ hợp sản xuất của làng nghề đều phải mở xưởng ngay tại gia đình nên rất khó để mở rộng quy mô sản xuất cũng như giảm tác hại của bụi gỗ đối với người lao động và môi trường.

Nhưng khó khăn lớn nhất mà Nhị Khê đang phải đối mặt hiện nay là sự suy giảm nguồn lao động, nhất là lao động lành nghề. Do tâm lý, cộng thêm sức hút từ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện số lao động làm nghề của Nhị Khê cũng như lao động làm nghề ở xã lân cận như: Khánh Hà, Văn Bình, Hòa Bình... đã bị giảm đi nhanh chóng. Phần lớn các cơ sở, tổ hợp sản xuất ở Nhị Khê hiện nay phải sử dụng những lao động ở tỉnh ngoài như : Thanh Hóa, Hòa Bình, Lạng Sơn...Tuy nhiên, trình độ tay nghề của lực lượng lao động này lại rất thấp gây không ít khó khăn và tốn kém cho các cơ sở sản xuất. Chia sẻ về điều này, chị Đinh Thị Thủy, chủ một CSSX cho biết, với những lao động ở tỉnh ngoài, khi được nhận vào làm phần lớn họ không biết nghề, chúng tôi phải đào tạo lại từ đầu rất mất thời gian. Thêm vào đó, việc đào tạo lại không chính quy và tập trung mà chủ yếu thông qua hình thức vừa học vừa làm nên chất lượng sản phẩm khó đạt yêu cầu, hao tốn nguyên liệu. Trong khi đó, chi phí cho lao động rất cao, trung bình từ 3-4 triệu đồng/người/tháng cộng thêm tình hình kinh doanh 2 năm gần đây khá khó khăn nên nhiều cơ sở sản xuất ở Nhị Khê đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Ngay như cơ sở của gia đình chúng tôi, năm 2008 thường xuyên có 20 thợ làm việc nay giảm xuống chỉ còn 5 thợ.

Để hỗ trợ cho Nhị Khê khắc phục hạn chế về mặt bằng sản xuất cũng như khuyến khích các CSSX, tổ hợp sản xuất mở rộng sản xuất phát triển làng nghề, UBND xã đã có dự án xây dựng quy hoạch điểm công nghiệplàng nghề rộng 25ha tại khu đồng Sếu, trong tương lai Nhị Khê sẽ không thiếu mặt bằng sản xuất. Nhưng về lực lượng lao động, Nhị Khê hiện đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm bổ sung nguồn lao động cũng như công tác đào tạo nghề cho lao động nhằm giúp Nhị Khê vượt qua khó khăn trước mắt và đảm bảo nguồn lao động cho hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của làng nghề.

 

 

Việt Nga