Đánh giá của các tham tán tại Hội nghị Tham tán Thương mại được tổ chức cuối tháng 12/2011 cho thấy, cơ hội của Việt Nam trên thị trường thế giới khá toàn diện, từ các thị trường chủ lực, thị trường mới nổi đến các thị trường tiềm năng. Tuy khó khăn nhưng đã có nhiều tín hiệu tích cực cho hàng xuất khẩu Việt Nam.


TĂNG TRƯỞNG THỊ TRƯỜNG CHỦ LỰC

Thị trường xuất khẩu chủ lực với hai đại diện là Pháp và Mỹ tiếp tục tăng trưởng. Là nền kinh tế thứ 2 EU, Pháp có vai trò quan trọng trong thương mại Việt Nam – EU. Hiện tại các mặt hàng xuất chủ lực vào Pháp là dệt may, giày dép, thủy sản, dụng cụ gia đình, đồ gỗ… với kim ngạch năm 2011 là 2,1 tỷ USD, tăng 31%.

Về cơ hội xuất khẩu vào Pháp năm 2012, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán thương mại tại Pháp - nhận định: “Xuất khẩu Việt Nam sang Pháp chủ yếu là hàng thiết yếu, ít chịu tác động của khó khăn kinh tế nên vẫn có mức tăng trưởng tốt và gia tăng thêm thị phần”. Theo ông Cường, khả năng cạnh tranh mới là yếu tố quyết định đến kim ngạch hàng Việt Nam vào Pháp. Hiện tại, hàng Việt Nam được đánh giá khá cao về chất lượng và giá cả, phù hợp với người tiêu dùng trung lưu ở nước này.

Bên cạnh thị trường hàng thiết yếu, Việt Nam có thể tạo đột phá nếu khai thác được thị trường khoảng 35-40 triệu người tiêu dùng nước ngoài là khách du lịch đến Pháp. Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, phân khúc thị trường này có nhu cầu lớn về hàng tiêu dùng cao cấp và Việt Nam đang có cơ hội lớn. Trước đây, Trung Quốc thống trị thị trường hàng tiêu dùng phục vụ khách du lịch nhưng gần đây mất uy tín do chất lượng thấp.

Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bất chấp các vụ kiện thương mại đối với nhiều mặt hàng vẫn đạt ngưỡng kỷ lục kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 trên 20 tỷ USD. Ông Đào Trần Nhân – Tham tán công sứ tại Mỹ - nhận định, cơ hội lớn của Việt Nam trong năm 2012 tập trung vào những mặt hàng truyền thống hiện có, kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD như: Dệt may, giày dép, đồ gỗ, hải sản…

Cơ hội của Việt Nam ở thị trường Mỹ là rất lớn nhưng vấn đề là làm thế nào khai thác được. Một trong những thách thức là những quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm. Sắp tới, Mỹ sẽ áp dụng đạo luật mới về hiện đại hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó, chúng ta cần sớm mời các chuyên gia phía Mỹ sang để giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được nội dung quy định mới này.

ĐỘT PHÁ THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI

Nhóm thị trường mới nổi với hai đại diện là Trung Quốc và Nga hứa hẹn sự đột phá, đặc biệt là Nga, sau khi vừa được kết nạp vào WTO. Thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và nguồn nhập siêu cao của Việt Nam cũng cho thấy tín hiệu tích cực về xuất khẩu. Ông Nguyễn Duy Phú – Thám tán thương mại tại Trung Quốc - nói: “Trong khi kinh tế thế giới còn suy giảm, các thị trường lâu nay chúng ta hy vọng xuất khẩu, như: EU, Nhật, Mỹ chưa khởi sắc. Do vậy chúng ta nên coi thị trường Trung Quốc là một cơ hội”.

Ông Phú chỉ ra 3 lý do. Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc hiện khoảng 5.000 USD/người/năm nên sức mua ngày càng tăng. Thứ hai, Trung Quốc đang chuyển đổi chính sách, mở rộng nhập khẩu để cân bằng thương mại. Thứ ba, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc chưa được tận dụng hết lợi ích. Theo báo cáo, hiện chỉ có 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có sử dụng C/O Form E và nếu như được đẩy mạnh sẽ giúp gia tăng xuất khẩu.

Thị trường Nga trong năm 2012 được ông Vũ Văn Quang – Tham tán thương mại tại Nga - dự báo, sẽ có nhiều điểm tích cực. Trước hết là về kim ngạch, dự kiến thương mại hai chiều Việt - Nga đạt khoảng 3 tỷ USD và Việt Nam tiếp tục xuất siêu nhờ khả năng cạnh tranh tốt của hàng Việt Nam. Trước đó, năm 2011, Việt Nam xuất khẩu 1,1 tỷ USD và nhập khoảng 800 triệu USD.

Tháng 12/2011, việc Nga chính thức gia nhập WTO đã mở rộng cửa cho hàng Việt Nam vào nước này. Trong năm 2012, Nga sẽ cắt giảm 30% - 50% danh mục thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào Nga. Đồng thời, Nga công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Đây là lợi thế rất lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và DN cần chủ động khai thác.

Một điểm tích cực nữa là trước đây, 90% hàng Việt vào Nga là qua thương nhân người Việt nhưng tỷ lệ này đang giảm mạnh và xuất khẩu chính ngạch tăng mạnh, cho thấy chất lượng mới của thương mại Việt – Nga.

ĐẨY MẠNH THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG

Trung Đông là thị trường nhiều tiềm năng nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực mới được đẩy mạnh vài năm trở lại đây. Trong đó, nếu khai tốt vai trò trung chuyển của Dubai (UAE), hàng Việt sẽ gia tăng cơ hội vào UAE và các nước trong khu vực.

Ông Ngô Khải Hoàn – Tham tán thương mại tại Dubai - cho hay, một nhân tố quan trọng làm gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang UAE là mối quan tâm lớn của doanh nghiệp Dubai đối với thiết lập nguồn cung từ Việt Nam. Một số DN lớn đang có dự định xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt, nhất là nông sản để bán vào thị trường Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Tháng 3/2012, Bộ Ngoại thương UAE sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp nhập khẩu (buyer mission) sang Việt Nam tìm kiếm các đối tác cung cấp.

Ngoài ra, kênh phân phối hàng Việt qua hệ thống siêu thị cũng được xúc tiến mạnh. Thương vụ tại Dubai hiện đang làm việc với tập đoàn bán lẻ lớn nhất khu vực của UAE là EMK để xúc tiến các đơn hàng lớn từ Việt Nam, nhất là các mặt hàng tiêu dùng như: Thực phẩm, thủy sản, dệt may… từ Việt Nam. Đây là lý do giúp ông Hoàn khẳng định, xuất khẩu của Việt Nam sang Dubai sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2012.

Châu Phi, với đầu mối là Nam Phi, đang nổi lên là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng với mức tăng trưởng cao. Ông Đỗ Quang Liên – Tham tán thương mại tại Nam Phi - chia sẻ, Việt Nam đang được các DN Nam Phi quan tâm để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. Các mặt hàng có nhiều cơ hội trong thời gian tới là hàng hóa tiêu dùng, công nghiệp, chế tạo và sản phẩm kỹ thuật cao. Ông Liên đặc biệt nhấn mạnh tới nông sản, thực phẩm chế biến sâu, chất lượng cao và nhóm hàng chế tạo từ cao su tự nhiên.

Hiện nhiều hàng hóa của Việt Nam đứng trong nhóm 10 nhập khẩu lớn nhất vào Nam Phi, như: Cà phê, hạt tiêu, gia vị, gạo, cá phi lê đông lạnh, đồ gỗ, dệt may, gốm sứ… Hàng Việt Nam đã tạo được vị trí xứng đáng và được biết rộng hơn sẽ là cơ sở để xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi và châu Phi tăng mạnh.

Mặc dù quan hệ với Việt Nam tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, nhưng riêng về khía cạnh thị trường – Australia không được xếp vào nhóm chủ lực. Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu sang Australia trên 2,5 tỷ AUD, rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu 267,77 tỷ AUD. Tuy nhiên, điều đó lại cho thấy đây là thị trường nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, đã có chuyển biến tích cực. Xuất khẩu dầu mỏ đã giảm từ gần 80% năm 2008 xuống 53,7% năm 2011. Bù đắp cho sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ AUD do giảm xuất khẩu mỏ là sự gia tăng của xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ với mức tăng trưởng trên 40% trong năm 2011.

Ông Nguyễn Bảo – Tham tán thương mại tại Australia - cho hay, tăng trưởng xuất khẩu sang Australia trong thời gian tới sẽ dựa trên việc thúc đẩy các mặt hàng phi dầu mỏ mà Australia có nhu cầu lớn như: Đồ gỗ, cà phê, thủy sản, điện thoại… Ví dụ, giày dép, Australia có 23 triệu dân nhưng mỗi năm nhập khẩu 1,5 tỷ AUD, trong đó Việt Nam mới chiếm 50-70 triệu AUD; đồ gỗ khoảng 3 tỷ AUD, Việt Nam được trên 100 triệu USD; da giày 1 tỷ AUD, Việt Nam xuất được 50 -75 triệu AUD…

Thị trường Australia còn rất nhiều khoảng trống cho hàng Việt và một trong những định hướng bền vững là tiêu thụ qua qua siêu thị. Riêng Woolworths, nhà bán lẻ hàng đầu ở Australia có doanh thu 54 tỷ AUD, chiếm 33% thị trường bán lẻ ở Australia. Sau nhiều nỗ lực vận động của Thương vụ, Woolworths đã vào Việt Nam mua hàng.

Triển vọng sáng của thị trường xuất khẩu năm 2012 trong bối cảnh khó khăn toàn cầu không chỉ là kết quả của quá trình hội nhập tích cực, cải cách mạnh mẽ trong nước, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn có sự góp sức không nhỏ những người làm công tác kinh tế đối ngoại, đặc biệt là các tham tán thương mại. Hy vọng năm 2012, để những cơ hội thành công cho xuất khẩu trở thành hiện thực sẽ cần nhiều hơn sự chủ động tích cực của các tham tán, doanh nghiệp và mối liên kết từ hai phía.

 

Doanh Chính (Công thương điện tử)