Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc, điều kiện địa lý không thuận lợi cho thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp; kết cấu hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế; các doanh nghiệp trên địa bàn hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, sức cạnh tranh yếu, trình độ dân trí chưa phát triển đồng đều…

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2015 của Tỉnh: “Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững”. Từ định hướng này, để đưa ngành Công nghiệp của tỉnh phát triển, đặc biệt là phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, Sở Công Thương đã xây dựng các chính sách, giải pháp cơ bản nhằm ổn định và phát triển công nghiệp Yên Bái như:

 

Đề xuất Chính phủ xây dựng và ban hành chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong công tác quy hoạch, ưu tiên cho Yên Bái các ngành chế biến mà Tỉnh có lợi thế về nguyên liệu như sản xuất xi măng, thép, giấy, thủy điện, các ngành sử dụng nhiều lao động…; Tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực để đầu tư hạ tầng, trong đó có đầu tư khu, cụm công nghiệp và lưới điện. Ưu tiên đầu tư các dự án có tác dụng liên vùng nhất là các dự án giao thông. Đồng thời sớm ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2011, 2012 để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, ổn định giữ vững sản xuất, tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo; Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi miễn, giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân.

 

Tập trung các nguồn lực mà Tỉnh có lợi thế cho các tập đoàn doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực vào đầu tư, nhất là tài nguyên khoáng sản, nông lâm sản, thủy điện. Nhanh chóng đưa tiềm năng vào khai thác có hiệu quả. Chú trọng khuyến khích kinh tế tư nhân, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp. Ưu tiên tập trung nguồn vốn xây dựng nhanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ở TP. Yên Bái và các huyện vùng thấp. Đầu tư phát triển lưới điện truyền tải phục vụ sản xuất công nghiệp và phát điện của các thủy điện; Tăng cường công tác quản lý đầu tư, rà soát toàn bộ các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án khai thác mỏ, đầu tư thủy điện và một số dự án khác nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Kiên quyết xử lý thu hồi các dự án vi phạm quy định đầu tư hiện hành, giao cho các nhà đầu tư mới đủ năng lực và uy tín triển khai.

 

Một số giải pháp cụ thể:

 

Đối với ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản: Tăng cường phân cấp quản lý tài nguyên, hoàn thiện quy chế và thực hiện đấu thầu hoạt động khoáng sản; Khuyến khích đa dạng loại hình sở hữu, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, như đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; thu hút đào tạo và sử dụng lao động địa phương, có biện pháp chủ động bảo vệ môi trường sinh thái và cải thiện môi trường xã hội; Tập trung rà soát đánh giá tiến độ, chất lượng đầu tư của các đơn vị đã được thoả thuận cho lập dự án đầu tư khai thác, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ; đình chỉ hoạt động của những đơn vị, cá nhân không chấp hành nghiêm túc các các quyết định của pháp luật về hoạt động khoáng sản. Ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có công nghệ hiện đại, gắn khai thác với chế biến sâu để nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trong hoạt động khoáng sản. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là cơ sở đối với công tác quản lý về hoạt động khoáng sản.

 

Đối với ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản: Tập trung cải tạo và thâm canh ổn định các vùng nguyên liệu hiện có và đầu tư mới như chè, quế, sắn, cây cao su, gỗ rừng trồng. Tập trung hỗ trợ nhân dân các giống mới có chất lượng cao, hỗ trợ phân bón, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác; Đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất chế biến theo hướng hiện đại, tự động hóa, giảm thiểu ô nhiễm. Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo hình thức các cơ sở nhỏ làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững; Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tích cực xây dựng chiến lược về thị trường tiêu thụ. Có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá mẫu mã, chất lượng sản phẩm trên các phương tiện thông tin, trên mạng internet; Liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

Đối với ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Tích cực đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tập trung sản xuất các loại vật liệu có lợi thế về nguyên liệu: xi măng, gạch không nung, đá xẻ ốp lát, sản phẩm gỗ, đá xây dựng…Đối với ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước: Tập trung vốn cho công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống phân phối điện, nước để giảm tổn thất; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền sử dụng an toàn, tiết kiệm điện trong nhân dân; Rà soát các dự án, thu hồi các dự án thủy điện chậm tiến độ, vi phạm các quy định về đầu tư. Lựa chọn chủ đầu tư mới theo hình thức đấu thầu.

 

Đối với ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp sửa chữa cơ khí, lắp ráp điện tử và công nghiệp phụ trợ: Tăng cường khuyến khích đầu tư các dự án cơ khí lắp ráp, cơ khí điện tử và cơ khí sửa chữa vào các khu, cụm công nghiệp. Phát triển công nghiệp phụ trợ, đồng thời phát triển mạng lưới đại lý cung ứng thiết bị, phụ tùng vật tư, nhiên liệu và làm tốt dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa và các dịch vụ sau bán hàng; Khuyến khích thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có chính sách hỗ trợ người nông dân trang bị máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất cơ khí phát triển.Đối với ngành tiểu thủ công nghiệp:

 

Xây dựng chiến lược phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn chuyển đổi mô hình sản xuất. Khuyến khích thành lập các hiệp hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Khuyến khích hình thức hợp tác, phân công sản xuất, chuyên môn hóa trong sản xuất cùng một ngành hàng của các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp.Hỗ trợ, đổi mới công nghệ, đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, cung ứng vật tư kỹ thuật cho sản xuất. Đẩy mạnh công tác tư vấn thông tin thị trường và tuyên truyền phổ biến chính sách khuyến khích phát triển TTCN cho các huyện, xã, đặc biệt là các cơ sở làng nghề truyền thống.

 

 

 

Nguồn: Sở Công Thương Yên Bái