Các KCN đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất kinh doanh, là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được kể trên, việc phát triển các KCN thời gian qua còn tiềm ẩn không ít các yếu tố thiếu bền vững về kinh tế.
I. Các nhân tố thiếu bền vững trong phát triển các KCN vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
1. Vị trí các KCN:
Hầu hết các KCN vùng KTTĐBB đều nằm ở các vị trí khá đắc địa về giao thông: ven quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng), đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, Quốc lộ 2 và một số khác nằm ven Quốc lộ 18 (Bắc Ninh – Móng Cái). Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tại đây trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, nhất là các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi trong các KCN đã thành lập ở vùng KTTĐBB chiếm trên 30% tổng diện tích đất tự nhiên của KCN. Con số này cao hơn rất nhiều so với các vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, nơi tỷ lệ diện tích đất trồng lúa so với diện tích đất tự nhiên của KCN chỉ chiếm 7-8%. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của Vùng và cả nước trong dài hạn. Thực tế các KCN quá gần nhau và bám sát trên các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch đã và đang cản trở đến lưu thông của nhiều nơi mà quốc lộ 5 là một điển hình. Trên đường quốc lộ 5, có tới 80% các KCN chỉ nằm cách mép đường khoảng 30m trở lại. Mặc dù khi xây dựng giao thông, đã tránh đi qua các đô thị nhưng các địa phương lại san đất, giao mặt bằng đất phát triển các KCN hình thành bám đường phát triển, và như vậy đường đến đâu, nhà đến đó. Hậu quả là đường 5 có thể sẽ sớm trở thành “phố 5”.
2. Tỷ lệ lấp đầy KCN
Hiệu quả kinh doanh của các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ lấp đầy KCN.
Đến tháng 9/2008, tỷ lệ lấp đầy các KCN vùng KTTĐBB là khá thấp so với 2 vùng KTTĐ còn lại. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy các KCN vùng KTTĐBB hiện chỉ đạt 40,9%, trong khi tỷ lệ này của vùng KTTĐPN là 53,3% và vùng KTTĐMT đạt cao nhất, lên đến 67,8%. Nguyên nhân là do các KCN vùng KTTĐBB đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản khá cao. Số KCN được thành lập trong 3 năm, từ 2006 đến 2008 lên đến 30/51 KCN.
3. Quy mô diện tích các khu công nghiệp
Tỷ lệ các KCN có diện tích dưới 200 ha chiếm gần 50%, tức 25/51 KCN của Vùng. Đáng chú ý là có đến 8 KCN có qui mô dưới 100 ha (4 KCN của Hà Nội, 3 KCN Hải Dương và 1 KCN Quảng Ninh). Các KCN có diện tích trên 300 ha chỉ có 15/51 khu, chiếm 29,4%, tập trung chủ yếu ở Bắc Ninh với 6 khu. Có thể thấy qui mô các KCN vùng KTTĐBB nhìn chung nhỏ hơn so với 2 vùng KTTĐ còn lại, cụ thể: số KCN có diện tích trên 300 ha của vùng Kinh tế trọng điểm Miền Nam (KTTĐPN) là 34/89 khu, chiếm 38,2% và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) là 4/12 khu, chiếm 33,3%.
Nếu xét với qui mô hiệu quả của KCN là 200 – 300 ha đối với VKTTĐ và 300 – 400 ha với các tỉnh thì diện tích của các KCN trên địa bàn lại càng nhỏ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả trong tổ chức bộ máy quản lý, đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống xử lý chất thải và khả năng liên kết của các doanh nghiệp.
4. Liên kết phát triển trong nội bộ KCN và với bên ngoài KCN
ở nước ta, hoạt động liên kết kinh tế được thể hiện khá rõ ở một số KCN do các doanh nghiệp phát triển CSHT nước ngoài khai thác. Sự liên kết càng cao khi KCN có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn có vốn ĐTNN và các doanh nghiệp đến cùng quốc gia. Tiêu biểu cho sự liên kết này ở phía Nam phải kể đến các doanh nghiệp Đài Loan ở KCN Hố Nai (Đồng Nai); còn ở vùng KTTĐBB là Canon và các doanh nghiệp vệ tinh Nhật Bản trong KCN Thăng Long; Công ty mô tô Yamaha và các doanh nghiệp vệ tinh tại KCN Nội Bài (Hà Nội) và gần đây nhất là sự xuất hiện của tập đoàn điện tử Foxconn của Đài Loan tại các KCN Bắc Ninh và Bắc Giang chắc chắn sẽ tạo ra một sức hút mạnh mẽ các doanh nghiệp nước này đến đầu tư làm doanh nghiệp hỗ trợ cho Foxconn. Các liên kết này giúp các doanh nghiệp trong KCN nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua khả năng tiết giảm chi phí vận chuyển, kết hợp được sức mạnh hợp tác của các doanh nghiệp vì sự phát triển của mỗi công ty trong chuỗi này đều có liên hệ chặt chẽ với các công ty còn lại; các công ty vệ tinh cung cấp thiết bị tốt, sẽ góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm công ty mẹ, và ngược lại.
Mặc dù vậy, trong số 29 KCN đã đi vào hoạt động của 51 KCN vùng KTTĐBB thì những mô hình liên kết cao như vậy chưa nhiều. Nguyên nhân một phần là do mục tiêu chủ yếu của các BQL KCN là thu hút đầu tư càng nhanh càng tốt để nâng cao hiệu quả tài chính nên các doanh nghiệp trong mỗi KCN có thể thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau, rất khó tạo liên kết kinh tế hoặc phân công sản xuất giữa các doanh nghiệp trong cùng KCN. Điển hình là KCN Sài Đồng B, với rất nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Ngoại trừ một số ít nhà máy trong KCN này có mối liên kết như Orion-metal, Orion-Hanel, Daewoo-Hanel, Sil-Hanel… hầu hết các sản phẩm sản xuất trong KCN là các mặt hàng không liên quan đến nhau như: may mặc, thức ăn gia súc, sản xuất đồ trang sức, bánh kẹo…
5. Trình độ công nghệ của doanh nghiệp
Đóng góp nhiều nhất trong việc thay đổi công nghệ ở các KCN phải kể đến vai trò của các nhà ĐTNN. Tính đến nay, đã có trên 40 nước và khu vực lãnh thổ đầu tư vào các KCN, nhưng các nhà đầu tư đến từ các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như: Hoa Kỳ, EU còn ít. Do vậy, tỷ lệ các dự án có hàm lượng công nghệ cao còn hạn chế. Hiện tượng này làm cho các KCN vùng KTTĐBB thời gian qua chỉ mới thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, chứ chưa thúc đẩy công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế. Các dự án đầu tư FDI vào các KCN chủ yếu có qui mô vốn nhỏ, bình quân vốn đăng ký FDI vào một dự án hoạt động trong các KCN năm 2000 là 2,87 triệu USD; năm 2003: 3,62 triệu; năm 2005 là 5,97 triệu và năm 2008 là 15 triệu USD.
Mặc dù vậy, qui mô dự án FDI bình quân của vùng KTTĐBB hiện lớn nhất cả nước, gấp 1,5 lần của vùng KTTĐPN; 2 lần của vùng KTTĐMT và gần 1,5 lần của cả nước. Trong đó, mức vốn bình quân một dự án FDI ở KCN Hà Nội là 15,8 triệu USD; của Vĩnh Phúc là 22,8 triệu USD. Điều này phần nào phản ánh trình độ công nghệ của các dự án vùng KTTĐBB đã nhỉnh hơn các vùng còn lại. Một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến như các doanh nghiệp Nhật bản: Honda, Yamaha,… một số doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc cũng đầu tư công nghệ mới cho sản xuất, nhưng các công nghệ này chỉ có thể đánh giá là công nghệ tiên tiến và trung bình chứ chưa phải là công nghệ cao vì với nhiều doanh nghiệp chỉ là sự dịch chuyển công nghệ từ các nước khác, phục vụ cho 1 số qui trình đơn giản: lắp ráp, sơn tĩnh điện… Một số doanh nghiệp cũng đầu tư sử dụng công nghệ cao như Canon, To Ho, Brother… nhưng số lượng còn rất khiêm tốn. Việt Nam đã chủ trương xây dựng 2 khu công nghệ cao ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với nhiều ưu đãi nổi trội, nhưng do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan nên kết quả thu hút các ngành thuộc lĩnh vực này còn rất hạn chế. Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng diện tích lên đến 549,5 ha nhưng đến thời điểm này mới hoàn thành cơ sở hạ tầng và cho 10 doanh nghiệp thuê đất với diện tích 48,3 ha, nhưng đa số vẫn chưa thể đi vào hoạt động do hạ tầng còn dở dang, một số doanh nghiệp trong số này sử dụng công nghệ cũng chưa phải là công nghệ cao.
- Với các doanh nghiệp trong nước, các KCN vùng KTTĐBB đã có 619 doanh nghiệp đầu tư vào các KCN với số vốn đăng ký 47.326 tỷ đồng, trong đó 412 dự án đi vào sản xuất kinh doanh, với tổng số vốn thực hiện đạt 13.819 tỷ đồng, bằng 29,2% tổng số vốn đầu tư trong nước đăng ký đầu tư vào KCN. Nếu xét về qui mô vốn đầu tư có thể thấy các doanh nghiệp trong nước có qui mô vốn không kém nhiều doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, do kiến thức về công nghệ của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật nhìn chung còn hạn chế nên công nghệ sản xuất đa phần cũng chỉ ở mức trung bình thấp. Một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới nhập khẩu từ Mỹ, EU,… nhưng số lượng còn khá khiêm tốn, chủ yếu là công nghệ chắp vá và công nghệ của Trung Quốc.
II. Các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển bền vững các KCN vùng KTTĐBB
1. Nâng cao chất lượng qui hoạch KCN của Vùng
Thứ nhất, việc xây dựng qui hoạch phải đi trước một bước so với yêu cầu thực tiễn. Để thực hiện điều này, công tác xây dựng qui hoạch một mặt cần được hoạch định cho những thời kỳ đủ dài để có những dự tính mang tính chất chiến lược. Phát triển các KCN của Vùng cần theo hướng chuyển bớt các KCN mới lên phía các trục Quốc lộ 21 và 18 để giảm bớt sự tập trung quá mức vào vùng Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, có chính sách theo dõi, đánh giá chặt chẽ việc thực hiện các quan điểm qui hoạch phát triển KCN như: kiểm soát tỷ lệ sử dụng đất công nghiệp trong các KCN, xử lý nghiêm minh các KCN cố tình làm trái các qui định qui hoạch KCN của nhà nước, đặc biệt là qui định về tỷ lệ lấp đầy KCN hiện có khi mở rộng và bổ sung qui hoạch KCN mới của các địa phương theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó có căn cứ và lộ trình điều chỉnh qui hoạch KCN cho phù hợp với yêu cầu phát triển của từng thời kỳ.
Thứ hai, qui hoạch cần dự tính vị trí đặt KCN đảm bảo tính bền vững. Việc bố trí các KCN gần các đô thị lớn và các khu dân cư tập trung thời gian qua đã thể hiện nhiều điểm bất cập (ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông,…). Do vậy, trong công tác qui hoạch phát triển KCN cần xác định rõ những vị trí có thể xây dựng các KCN cũng như những ngành nghề cụ thể được phép đầu tư vào những vị trí này. Cụ thể là vị trí đặt KCN không được ảnh hưởng tới hành lang phát triển các đô thị trong tương lai. Các KCN không nên bố trí quá gần các tuyến giao thông huyết mạch và phải đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới sự tồn tại bền vững của các nguồn tài nguyên thiên nhiên (nguồn nước, nguồn tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên, v.v..).
Thứ ba, cần qui định về qui mô tối thiểu cho từng loại KCN. Việc phát triển các KCN có qui mô quá lớn hoặc nhỏ sẽ khó đảm bảo tính chất bền vững của chính KCN. Với KCN có diện tích quá lớn sẽ khó lấp đầy, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất; còn KCN quá nhỏ thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý môi trường và các dịch vụ đi kèm sẽ gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo hiệu quả hoạt động. Qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển của các quốc gia khác, kết hợp với phân tích thực tế các KCN của Vùng, tác giả cho cho rằng nên qui định qui mô tối thiểu để đưa vào qui hoạch KCN là 200 ha; đối với các địa phương không có thế mạnh trong thu hút vốn đầu tư, qui mô KCN tối đa là 500 ha.
2. Thúc đẩy liên kết, phối hợp phát triển các KCN vùng KTTĐBB
Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong VKTTĐ trên cơ sở triển khai thực hiện Quy chế phối hợp ban hành theo quyết định 159/2007/QĐ-TTG. Theo dõi và chỉ đạo kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ. Các nội dung chủ yếu cần tập trung đẩy mạnh sự phối hợp và liên kết vùng cho phát triển bền vững các KCN là : (i) Trao đổi, cung cấp thông tin giữa các địa phương trong vùng; (ii) Xây dựng và đưa nội dung hợp tác vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của mỗi ngành, mỗi địa phương; (iii) Hình thành và mở rộng các tổ chức hoạt động kinh tế mang tính liên kết vùng nhằm tăng quy mô, tăng khả năng cạnh tranh và chủ động tham gia hội nhập khu vực và quốc tế hình thành các trung tâm xúc tiến đầu tư quy mô vùng và tăng cường hoạt động liên kết trong lĩnh vực này.
3. Tăng cường liên kết doanh nghiệp và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ
Chúng ta cần có các chính sách giảm chi phí, tăng phần bù đắp cho việc hình thành các liên kết cho cả các doanh nghiệp có vốn ĐTNN và các công ty địa phương nhằm tạo ra và khuyến khích các liên kết làm tăng hiệu quả của sản xuất và góp phần vào việc phát tán các tri thức và kỹ năng từ các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tới các doanh nghiệp địa phương như: Cho phép các doanh nghiệp có vốn ĐTNN được khấu trừ thuế thu nhập cho các chi phí liên quan tới việc hình thành các liên kết với các doanh nghiệp địa phương. Khích lệ kịp thời với các công ty đa quốc gia (MNC) có thành tích trong việc tạo ra mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ bằng các danh hiệu cụ thể như: bằng khen, giấy khen… như nhiều nước trong khu vực đã và đang thực hiện. Tránh việc sử dụng các biện pháp cứng nhắc nhằm tăng cường liên kết thường áp dụng trước đây như: đánh thuế nhập khẩu cao; quy tắc về nguồn gốc; đòi hỏi hàm lượng nội địa; đòi hỏi liên doanh hay đòi hỏi về tỷ lệ xuất khẩu… là những biện pháp mang tính mệnh lệnh, không thích hợp với quá trình hội nhập hiện nay.
4. Cải thiện môi trường đầu tư trong các KCN
Trước hết cần hoàn thiện môi trường pháp lý và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, thông qua việc nhanh chóng xây dựng và thông qua luật về KCN, hoàn thiện cơ chế “một cửa tại chỗ” và coi đây là công cụ quan trọng tạo lập môi trường hành chính thuận lợi trong KCN, đồng thời ổn định các chính sách và cơ chế để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào KCN có những tính toán chiến lược dài hạn và bền vững. Tạo điều kiện giảm thiểu chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư vào KCN thông qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp như: giảm chi phí sử dụng các dịch vụ công cộng, chi phí duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, thu chi phí theo mức độ hoạt động thực tế (tỷ lệ lấp đầy KCN, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu,... ).
Hoạt động xúc tiến đầu tư cần có sự tập trung với sự tham gia và hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trung ương, cơ quan điều phối VKTTĐ, đặc biệt là Ban liên lạc các KCN vùng KTTĐBB thông qua việc thiết lập các kênh thông tin tập trung như: website, các chiến dịch xúc tiến đầu tư, các đoàn vận động đầu tư và liên kết chặt chẽ với các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế. Hoạt động này cần có sự chỉ đạo tập trung bởi một cơ quan chuyên trách, được sử dụng ngân sách nhà nước để tiến hành hoạt động. Ngoài ra, việc tăng cường tham gia vào hiệp hội các KCN và khu chế xuất khu vực và thế giới cũng sẽ góp thêm cơ hội quảng bá cho các KCN của Vùng và cả nước.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, các nước trong khu vực đang triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy thu hút các nguồn vốn đầu tư như: Tạm hoãn áp dụng việc tăng mức lương tối thiểu, áp dụng thuế suất ưu đãi theo lĩnh vực, khu vực dưới dạng luật có giới hạn về thời gian. Trường hợp của Thái Lan, nước này cũng chia các khu vực hưởng ưu đãi đầu tư ra làm 3 khu vực và áp dụng thuế suất ưu đãi và thời gian miễm giảm thuế như Việt Nam. Tuy nhiên, cuối năm 2008 Chính phủ Thái đã quyết định áp dụng mức thuế suất ưu đãi và thời gian miễn giảm thuế ngang bằng với khu vực có mức ưu đãi cao nhất cho tất cả các khu vực, trừ khu vực 1 là Bangkok đến năm 2014. Do vậy, theo tác giả, bên cạnh việc thực hiện các gói kích cầu đầu tư bằng hỗ trợ lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn nộp thuế VAT,... đang áp dụng, chúng ta cũng có thể thúc đẩy thu hút đầu tư bằng cách ưu đãi có thời hạn cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào các KCN vùng KTTĐBB như các ưu đãi vào KCN các vùng khó khăn khác trong nước.
Ths. Vũ Thành Hưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân