Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 134/NĐ-CP, tình hình phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về một số bất cập về cơ chế, chính sách làm cho hoạt động khuyến công (KC) chưa đạt hiệu quả như mong muốn


Phát triển sản phẩm tiêu biểu: nên gắn với vùng miền


Theo báo cáo của Cục CNĐP, với nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) là 17,359 tỷ đồng, chiếm 4,43% tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công, thời gian qua, chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể. Cụ thể, hỗ trợ tổ chức được 5 hội chợ triển lãm và 5 lần bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp khu vực với số lượng trên 100 sản phẩm được bình chọn trong số gần 400 sản phẩm đăng ký tham dự. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức được 42 hội chợ triển lãm cấp tỉnh, huyện, với quy mô 100-200 gian hàng tiêu chuẩn/hội chợ và có sự tham gia của 50 đến 150 cơ sở CNNT/hội chợ triển lãm. Ngoài ra đã hỗ trợ được 3.152 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu cho 228 doanh nghiệp CNNT. Đây là những thành tựu đáng kể, góp phần khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chú trọng nghiên cứu, sáng tạo, phát triển sản phẩm tiêu biểu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đứng vững ở thị trường trong và ngoài nước. Điển hình là những Hội thi tay nghề ở Vĩnh Phúc, Thi sáng tạo thiết kế ở Đồng Nai nhằm tìm ra những mẫu mã mới, sản phẩm mới đốc đáo và sáng tạo. Ông Lê Trọng Cẩm - Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thanh Hóa cho biết, từ khi có Nghị định 134, Công nghiệp nông thôn ở Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là sự hình thành các cụm, khu CN, phát triển nghề, nhân cấy nghề của các làng nghề… giải quyết lao động dư thừa tại chỗ. Về vấn đề này, ông Vũ Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cũng khẳng định: Nghị định 134 có tác động rất lớn đến sự phát triển CNNT, không những giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn làm thay đổi tư duy của lao động nông thôn. 10 năm qua, tỉnh Thái Bình đã dành trên 30 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công. Đến nay, hoạt động khuyến công đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 175 nghìn lao động nông thôn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, năm 2005 tỷ trọng công nghiệp xây dựng đạt 24% /năm đến năm 2010 đạt 33,3%/năm và từ một địa phương có 46 làng nghề năm 2005, đến nay Thái Bình đã có tới 219 làng nghề. Đây là một trong những động lực để hoạt động khuyến công trên địa bàn triển khai hiệu quả, giá trị SXCN hàng năm tăng, thu hút thêm vốn trong dân, khuyến khích đầu tư công nghệ mới, đầu tư mở rộng sản xuất, duy trì phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới... Tuy nhiên, theo ông Cẩm, việc khuyến khích phát triển sản phẩm tiêu biểu cần làm bài bản hơn. Cục CNĐP nên nghiên cứu thành lập trung tâm hoặc phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghiệp, tập trung nghiên cứu sản phẩm của cả 3 miền, qua đó có định hướng về việc phát triển sản phẩm quốc gia gắn kết với vùng miền và định hướng phát triển sản phẩm CNNT. Kèm theo đó là chính sách đầu tư hỗ trợ thỏa đáng hơn đối với các nghệ nhân, hay chuyên gia. Ông Vũ Quang Tuấn thì cho rằng, cần đa dạng hóa hoạt động khuyến công, đồng thời tăng cường xây dựng các đề án hỗ trợ cơ sở SXCN, doanh nghiệp CNNT, đặc biệt là trình Chính phủ tăng định mức kinh phí hỗ trợ các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân, vì Quyết định 81/2005/QĐ-TTg, ngày 18/4/2005 đã quá cũ và lạc hậu. Đặc biệt, cần tăng nguồn kinh phí để phù hợp với giá cả thị trường để thu hút được người lao động và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động khuyến công.


Tăng cường phối hợp để triển khai sâu rộng Nghị định 134


Bên cạnh những thành công đã đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, hoạt động khuyến công vẫn còn nhiều bất cập. Ồng Lê Trọng Cẩm phàn nàn: Dù đã rất cố gắng nhưng hoạt động khuyến công ở Thanh Hóa còn rất khó khăn. Một phần do nguồn kinh phí dành cho khuyến công còn quá ít, một phần do đội ngũ cán bộ khuyến công vừa thiếu vừa yếu. Vì vậy, việc triển khai hoạt động khuyến công đến các vùng sâu, vùng xa rất vất vả, nhất là việc phát triển sản phẩm CNNTTB. Đặc biệt, ở một số địa phương, nhận thức về hoạt động khuyến công của đội ngũ lãnh đạo còn hạn chế, sự phối hợp hoạt động chưa chặt chẽ khiến cho hoạt động khuyến công rơi vào thế đơn thương độc mã nên hiệu quả chưa cao.


Ông Doãn Văn Tỏa - Trưởng Ban Chính sách và Phát triển HTX (Liên Minh HTX Việt Nam khẳng định: Liên minh HTX luôn ưu tiên triển khai các dự án khuyến công tại khu vực nông thôn, miền núi, những nơi khó khăn. Việc đào tạo nghề, chủ yếu nhằm gìn giữ nghề truyền thống tại các làng nghề và phát triển nhân cấy nghề mới ở những địa phương có tiềm năng phát triển, đào tạo gắn lý thuyết với thực hành, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đã giúp cho các HTX, tổ hợp tác ngành nghề được củng cố và phát triển. Việc thực hiện các dự án đã giúp cho các HTX, doanh nghiệp và tổ hợp tác thành viên của Liên minh HTX Việt Nam được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Thông qua các lớp dạy nghề, trình độ tay nghề của xã viên, người lao động được nâng lên, năng suất lao động cao hơn, HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các xã viên và người lao động.... So với các chương trình khác thì chương trình khuyến công thực hiện khá bài bản và hiệu quả, đã tác động rất lớn đến phát triển CNNT ở vùng khó khăn, tiêu biểu như: phát triển HTX Thổ cẩm ở Cao Bằng, ổn định kinh tế xã hội vùng kinh tế mới ở Lào Cai... Ông Tỏa cũng cho rằng, để tiếp tục triển khai sâu rộng hơn Nghị định 134, các cấp bộ, ngành cần tăng cường phối hợp hoạt động khuyến công.


Cần có chính sách riêng cho những vùng khó khăn


Ông Nguyễn Văn Quyến - Chủ nhiệm HTX Hoa Mai, Lào Cai cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn miền núi rất thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó, muốn đào tạo nghề cho bà con cũng không đơn giản. Bởi lẽ, với ngành mộc mỹ nghệ, lao động phải học tới 3 năm mới trở thành thợ thực sự. Bà con muốn học nghề phải đi bộ 15-20 km đường rừng núi mới đến được lớp học nghề. Vất vả khó khăn như thế nhưng mức hỗ trợ cho học viên chỉ có 200-300 nghìn đồng/tháng thì bà con rất khó theo được hết khóa học. Đặc biệt, để được tiền hỗ trợ thì khóa học phải có từ 120 lao động trở lên. Với điều kiện này thì Lào Cai phải huy động không biết bao nhiêu bản làng mới đủ? Đó là chưa kể, theo quy định, đối tượng được hưởng hỗ trợ là ở xã, chứ không phải phường. Thế là tất cả bà con vẫn đều là nông dân, nhưng sau khi được nâng cấp, qui hoạch địa giới hành chính thành phường, thì từ chỗ họ đang được hưởng chính sách của Nhà nước lại không được hỗ trợ. Theo ông Quyến, để mở rộng lao động sản xuất đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu thì nguồn lao động phải được hỗ trợ đào tạo nhiều hơn để đạt trình độ vận hành công nghệ cao. Ngoài ra, cần quan tâm và có cơ chế, chính sách sát thực với từng vùng miền để thúc đẩy phát triển khu kinh tế tái định cư và nâng cao đời sống cho nhân dân ở vùng kinh tế mới.


Rõ ràng, chính sách và thực hiện chính sách vẫn còn là vấn đề đang làm đau đầu các nhà quản lý và ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng hoạt động khuyến công. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Bởi vì từ việc xây dựng chính sách đến thực hiện chính sách đều do con người thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công từ trung ương đến địa phương phải thật sự năng động, tự tin, vận dụng linh hoạt, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở thụ hưởng. Ông Vượng cho rằng, những người xây dựng chính sách cũng phải đầu tư thời gian tìm hiểu thực tế để cho ra những chính sách phù hợp, dễ thực hiện. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT cũng phải chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư, quan tâm người lao động. Chỉ như thế thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT mới có thể phát triển ngày càng mạnh mẽ.
 

CTV.Khánh Chi