Tuy nhiên, với tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, thì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và thương mại chưa thật sự bền vững. Vùng Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bộ có vị trí kinh tế-xã hội và quốc phòng đặc biệt quan trọng đối với cả nước nói chung và vùng Bắc bộ nói riêng. Trong vùng có thủ đô Hà Nội-Trung tâm văn hoá kinh tế chính trị của cả nước và toàn bộ các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đều thuộc khu vực này.
Trong năm 2009, mặc dù chịu không ít tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục đà tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. 9 tháng năm 2010, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả vùng ước đạt 251 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2009, đạt gần 74% kế hoạch năm. Trong đó, Thành phố Hà Nội đạt giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất, tiếp đến là Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh…Còn so với cùng kỳ 9 tháng năm trước, một số tỉnh đã đạt mức tăng trưởng rất cao là Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hoá…
Các doanh nghiệp đã vươn lên mạnh mẽ, được khẳng định bằng giá trị sản xuất công nghiệp tăng đến hơn 80% so với cùng kỳ năm trước…tỉnh có các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực …Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ toàn vùng đạt gần 350 nghìn tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt hơn 12 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử, than, hải sản, nông sản các loại…14 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Hồng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước, hướng mạnh vào thị trường nội địa, tích cực đưa hàng về nông thôn nhằm hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”. Kết hợp tổ chức các hội chợ với triển lãm thành tựu kinh tế xã hội, hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tuy vậy, đối với một số tỉnh ở khu vực Bắc Trung bộ, công tác phát triển thương mại miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù có vị trí địa lý, giao thông thuỷ, bộ tương đối thuận lợi so với nhiều vùng khác trong cả nước, nhưng nhìn chung kết cấu hạ tầng thương mại của vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và lưu thông hàng hoá. Chợ ở khu vực nông thôn tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng tiến độ xây dựng chậm. Chợ tạm, chợ cóc còn chiếm tỷ lệ cao. Kênh phân phối hàng hoá và vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn bất cập. Thiếu những doanh nghiệp lớn trong nước với phương thức kinh doanh tiên tiến, hệ thống phân phối có tiềm lực mạnh để có thể chi phối thị trường.
Tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ lấp đầy diện tích còn thấp. Công tác quản lý nhà nước đối với những khu, cụm, điểm công nghiệp trong vùng còn nhiều bất cập. Việc chuyển đổi phương thức quản lý theo QĐ 105/2009 của Thủ Tướng Chính phủ về quy chế quản lý cụm công nghiệp trong phạm vi cả nước còn nhiều vướng mắc, có nơi lúng túng. Chưa phát triển mạnh được những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh trong vùng như đóng tàu biển, sản xuất và sửa chữa cơ khí, điện tử công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, khai thác và chế biến khoáng sản…
Nguồn:VOV