Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phát triển công nghiệp của cả vùng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng của vùng kinh tế quan trọng của cả nước và các địa phương đang tích cực có các giải pháp tháo gỡ. Anh Tú, PV Đài TNVN thông tin cụ thể:
Ươc 9 tháng năm 2011, tổng giá trị sản xuất công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đạt hơn 311 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010, cao hơn so với mức bình quân chung 14% của cả nước và đạt 74,5% kế hoạch năm. Các nhóm sản phẩm công nghiệp thế mạnh của vùng gồm khai thác đá, sỏi, quặng sắt; sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, xe máy, công nghiệp chế biến hàng nông, thuỷ sản xuất khẩu...Ươc 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước và đạt 77% kế hoạch năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những biến động của kinh tế thế giới, lạm phát ở trong nước, chính sách thắt chặt tăng trưởng tín dụng, sản xuất công nghiệp của một số địa phương trong vùng cũng gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng-giám đốc Sở Công Thương TP.Hải Phòng cho biết: (Vừa rồi, chúng tôi phối hợp với các Bộ, ngành VCCI, giải quyết bức xúc nhất cho doanh nghiệp là về thuế đất. Theo mức mới, có doanh nghiệp phải đóng tăng đến 20 lần, thành phố đã chỉ đạo Cục thuế giãn thời hạn nộp phần chênh lệch giữa mức mới và mức cũ, để doanh nghiệp tạm thời chỉ đóng theo mức cũ, còn phần chênh lệch chờ ý kiến của Trung ương. Sở Công Thương thành lập đoàn đi đến các dự án đầu tư trọng điểm vừa mới đi vào sản xuất và sẽ đi vào sản xuất trong cuối năm để tháo gỡ vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố, động viên tối đa các nguồn lực vào sản xuất trong năm nay…)
Phần lớn các cơ sở công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có quy mô vừa và nhỏ, mức đầu tư thấp, thiếu vốn và khả năng tiếp cận vốn hạn chế, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, khả năng cạnh tranh kém, chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín cả trên thị trường trong và ngoài nước. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp cao nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa vững chắc do phụ thuộc chủ yếu vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm đến hơn 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng. Toàn vùng hiện có 142 Khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích đất quy hoạch 75.875 ha và đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 417 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất trên 17.600 ha. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với những khu, cụm, điểm công nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là việc chuyển đổi phương thức quản lý theo QĐ 105 của Thủ Tướng CP về quy chế quản lý cụm công nghiệp. Tình hình đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu, tiến độ lấp đầy diện tích chậm. Trước thực tế này, ông Nguyễn Thành Dũng-Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh đã xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp: (Giải phóng mặt bằng khó khăn, đơn giá cho thuê đất cao, khó thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. UB tỉnh chỉ đạo thành lập Ban giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất đối với khu công nghiệp. Đối với cụm công nghiệp, tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho xây dựng hạ tầng theo mức đến 10 ha-5 tỷ, 20 ha-7 tỷ, 50 ha-10 tỷ)
Có thực tế là không ít địa phương vẫn còn tư tưởng lợi ích cục bộ, dẫn đến việc trùng dẫm, ồ ạt trong thu hút đầu tư, không khai thác được hết các tiềm năng, thế mạnh riêng của từng địa phương. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cũng như quy hoạch các ngành, sản phẩm chủ yếu cấp vùng chậm được hoàn thiện gây khó khăn cho các địa phương trong xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, đảm bảo tính thống nhất, hài hòa trong cả vùng. Từ thực tế của địa phương, ông Trần Văn Tân-giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đề xuất: (công nghiệp chủ lực của tỉnh là sắt thép, hóa dầu, điện, đã đưa vào quy hoạch của Trung ương và của tỉnh, lộ trình để thực hiện đầy đủ, suốt từ khi có Nghị quyết ĐH Đảng của tỉnh từ nhiệm kỳ trước đến giờ. Nhưng để liên kết giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế kể cả Thanh Hóa trở vào trong phát triển công nghiệp thì rất khó, có lẽ cần bài toán quy hoạch theo từng lĩnh vực ngành của Bộ giống như chúng ta đã làm quy hoạch điện, sắt thép v.v. )
Những năm gần đây, vấn đề liên kết phát triển kinh tế, trong đó có phát triển công nghiệp, thương mại giữa các địa phương và của toàn vùng đã được đặt ra nhưng thực hiện còn ít, chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông liên kết với một số tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ còn yếu. Chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp nhân lực cho mỗi địa phương và toàn vùng. Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, trình độ kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu…Đây là những trở ngại không nhỏ khiến cho công nghiệp của toàn vùng phát triển chưa thật sự bền vững, giá trị gia tăng thấp.
Thanh Tú, VOV