Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm ( VKTTĐ) đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm ba tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ đang phấn đấu nâng tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP lên xứng tầm để chủ động hội nhập.


Theo đó, năm 2010, 4 địa phương trọng điểm này chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp– xây dựng chiếm 28,7% trong cơ cấu GDP và tăng lên 40% năm 2020. Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 310 USD năm 2007 lên 490 USD năm 2010 và 1.900 USD năm 2020. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 – 2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước...


Để hoàn thành chỉ tiêu nói trên, VKTTĐ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ bình quân 20%/năm; nâng cao dần tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 30% năm 2007 lên 38% năm 2010 và đạt khoảng 65% vào năm 2020; nâng tỉ lệ đô thị hoá của VKTTĐ từ 30,2% năm 2007 lên 33,8% vào năm 2010 và đạt 46% năm 2020. VKTTĐ phát triển ba trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương với tổng công suất khoảng 9.000 MW – 9.400 MW và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông, trước hết là các công trình có liên quan đến phát triển vùng như Quốc lộ L 1A, đường N1, N2, hệ thống đường trên đảo Phú Quốc, các cảng hàng không; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư bằng các hình thức BT, BOT một số công trình như đường cao tốc, xây dựng cảng, nạo vét luồng sông; nâng mức hỗ trợ cho các địa phương, cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu tại các địa phương; đầu tư mạnh phát triển nhân lực kỹ thuật cao. VKTTĐ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản theo hướng tinh chế...


Từ nay đến năm 2015, VKTTĐ tập trung phát triển các ngành công nghiệp có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu như: chế biến nông lâm thủy sản, may mặc, da, giày, điện tử, tin học, sản phẩm cơ khí, dược phẩm, hàng tiêu dùng; xây dựng một số cơ sở công nghiệp nặng như: dầu khí, luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng... VKTTĐ xây dựng một số khu công nghệ cao và khu kinh tế mở, khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp với ngành nghề đa dạng, thu hút nhiều lao động, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật công nghệ mới cho cán bộ, công nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành cơ khí...


Riêng trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, VKTTĐ đầu tư nâng cấp, đổi mới thiết bị, nhà xưởng tất cả các doanh nghiệp, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP và ISO ở các đơn vị; quản lý môi trường theo chuẩn mực quốc tế; tăng nguồn lực cho sản xuất và xuất khẩu theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp chế biến; phát triển kinh doanh đa ngành, đa dạng hóa sản phẩm, phương thức bán hàng, thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. /.
 


CTV, Thế Đạt