Ngày 21/11/2014, tại Hà Nội, Công đoàn Công Thương Việt Nam phối hợp cùng Công đoàn Công nghiệp toàn cầu IndustriALL tổ chức Hội thảo "Phát triển đoàn viên trong ngành Điện tử và Tin học".


Bảo vệ tối đa quyền lợi người lao động

Theo Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam về công tác phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, đến tháng 11/2014, Công đoàn Công Thương Việt Nam có tổng số 164.913 đoàn viên trong tổng số 176.171 người lao động. Theo đó, đến năm 2018, Công đoàn Công Thương Việt Nam đặt ra mục tiêu cả nhiệm kỳ phát triển 10.000-12.000 đoàn viên, thành lập mới 10-15 công đoàn cơ sở; thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp, đơn vị mới; 75-80% công đoàn cơ sở đạt vững mạnh; 100% UV BCH công đoàn cơ sở, 50% tổ trưởng, tổ phó công đoàn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ công đoàn.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, thách thức đặt ra cho ngành Công Thương là rất lớn. Khối hành chính, doanh nghiệp nhà nước giảm do sắp xếp, chuyển đổi; khối doanh nghiệp cổ phần, liên kết, liên doanh tăng. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam; đầu tư nước ngoài phần lớn ở giai đoạn xây dựng chưa vào sản xuất. Nhiều doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh dẫn đến giải thể, phá sản, sát nhập. Một số dự án mới đi vào sản xuất, thành lập thêm các nhà máy, xí nghiệp tạo việc làm mới, gia tăng lao động, v.v... Đó là rất nhiều những nguyên nhân khiến gia tăng hoặc suy giảm số lượng người lao động của Ngành. Do đó, một yêu cầu đặt ra cấp thiết là phải phát triển đoàn viên trong ngành Công Thương nói chung và ngành Điện tử, Tin học nói riêng nhằm chất lượng hóa và bảo vệ tối đa quyền lợi người lao động.

Giới thiệu Kế hoạch hành động của IndustriALL toàn cầu nhằm phát triển đoàn viên ngành Điện tử, Tin học, ông Kan Matsuzaki, Trưởng ban Điện, Điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT & TT), IndustriALL nhấn mạnh, 3 điểm quan trọng trong Kế hoạch là: (1) Phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn vững mạnh: cần tăng số đoàn viên để xây dựng sức mạnh lớn hơn; cần tổ chức đến từng người, kể cả những công nhân không ổn định. (2) Quyền công đoàn: cần đảm bảo rằng mọi người lao động đều có quyền gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn của họ và được hưởng sự bảo vệ của thỏa ước tập thể. (3) Đấu tranh để đạt tới mô hình kinh tế và xã hội mới, đưa con người lên vị trí cao nhất: cần gây sức ép lên các nhà ra các quyết định chính trị để đầu tư vào việc tăng chất lượng công việc thay vì công việc không ổn định.

Thu hút người lao động ngành Điện tử - Tin học tham gia công đoàn

Thay mặt Công đoàn Công Thương Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Lý Quốc Hùng cho biết: Tháng 4/2014, Công đoàn Công Thương Việt Nam được chọn là chủ nhà của hai hội nghị quan trọng: Hội nghị Ban Điều hành khối Điện, Điện tử, CNTT & TT IndustriALL và Hội nghị Liên lạc Lao động Kim khí châu Á lần thứ 7. Tại các hội nghị này, Công đoàn Công Thương Việt Nam, trong đó có các cán bộ công đoàn ngành Điện tử Việt Nam đã có cơ hội được nâng cao nhận thức về xu hướng phát triển của ngành kim khí nói chung và ngành Điện tử nói tiêng trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn trong bối cảnh kinh tế quốc tế.

Theo ông Lý Quốc Hùng, Việt Nam là nước có tốc độ phát triển nhanh về ngành Điện tử và CNTT. Chỉ tính riêng ngành Điện tử, Việt Nam hiện có khoảng 1000 doanh nghiệp, sử dụng trên 200.000 lao động. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp điện tử tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 10% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đứng trong 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất và đến 2030 trở thành nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới và thân thiện môi trường.


Với đặc thù là ngành công nghệ cao, tập trung công nghệ và vốn; tốc đổi thay đổi công nghệ nhanh, chu kỳ sống của sản phẩm ngắn; yêu cầu lực lượng lao động có chuyên môn, có tay nghề, ít sử dụng lao động phổ thông, ngành sản xuất linh kiện điện tử đã đáp ứng đc khoảng 30 – 35% nhu cầu trong nước đối với lĩnh vực điện - điện tử gia dụng; khả năng cung ứng cho lĩnh vực hạ nguồn khác thấp: 15% đối với điện tử - viễn thông; 5% đối với điện tử chuyên dụng và công nghệ cao. Bà Đỗ Thị Thúy Hương khẳng định, công đoàn TCT Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam luôn phát huy được vai trò, trách nhiệm, tổ chức tốt các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, chăm lo bảo vệ quyền lợi và đời sống vật chất của người lao động.

Đại diện Công đoàn TCT Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam cho biết, về phương hướng phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn TCT vững mạnh, TCT phấn đấu đạt những tiêu chuẩn cụ thể theo quy định đối với công đoàn cơ sở vững mạnh (tỷ lệ đoàn viên/tổng số lao động từ 95% trở lên; ký kết Thoả ước lao động tập thể; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc; tất cả (100%) người lao động làm việc tại doanh nghiệp được ký Hợp đồng lao động bằng văn bản, trừ những người làm việc tạm thời có thời hạn dưới ba tháng; không để xảy ra tai nạn lao động trong thời gian làm việc; không để xảy ra ngừng việc tập thể trái pháp luật; không có đoàn viên vi phạm quy chế, quy định của doanh nghiệp đến mức bị sa thải, v.v…

Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng hi vọng, Hội thảo "Phát triển đoàn viên trong ngành Điện tử và Tin học" là một dịp để các công đoàn trong khối Điện tử - Tin học chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm về xu hướng phát triển của Ngành và hoạt động công đoàn nhằm vận động, thu hút người lao động tham gia công đoàn đồng thời xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh để tăng cường tính đại diện và bảo vệ có hiệu quả hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tăng cường tình đoàn kết trong phong trào công đoàn trong nước và quốc tế.

 

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương