Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 66/2006/NĐ-CP đã bộc lộ một số tồn tại, không còn phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn (cụ thể như: Tiêu chí làng nghề được công nhận phải có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn rất khó thực hiện; Các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn (trong đó có làng nghề) còn mang tính định hướng, thiếu cụ thể; Công tác quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn, làng nghề còn nhiều bất cập, sự phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành chưa rõ ràng, thiếu hệ thống tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý;…). Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 về phát triển ngành nghề nông thôn thay thế Nghị định số 66/2006/NĐ-CP. Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về làng nghề (bao gồm cả làng nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp) ở các tỉnh/thành phố đã được giao cho ngành nông nghiệp tổ chức thực hiện (Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với làng nghề, ngành nghề nông thôn), ở cấp Trung ương, làng nghề giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì quản lý, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện hoạt động phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
1. Kết quả phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) thời gian qua
Về phát triển làng nghề CN-TTCN: Theo tổng hợp từ báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước và Báo cáo số 126/BC-BNN-KTHT ngày 08 tháng 01 năm 2021 của Bộ NN&PTNT về sơ kết 02 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, đến năm 2020: Cả nước có 165 nghề truyền thống; 1.951 làng nghề (trong đó có 1.062 làng nghề và 889 làng truyền thống) đã được công nhận theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP; trong số 1.951 làng nghề, có 1.656 làng nghề CN-TTCN (chiếm 84,8% tổng số làng nghề).
Tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất trong làng nghề CN-TTCN của cả nước đạt khoảng hơn 55.000 tỷ đồng, tăng 13,75% so với năm 2018. Tổng vốn và tài sản của các cơ sở sản xuất trong làng nghề CN-TTCN là hơn 14.000 tỷ đồng.
Số lượng lao động tham gia sản xuất kinh doanh tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề CN-TTCN là 1.261.389 lao động, tăng 1,27% so với năm 2018. Trong đó, số lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25%, chuyên gia có tay nghề cao là 2.994 người. Thu nhập của lao động trong các làng nghề bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng. Lao động trong các làng nghề chủ yếu là người cao tuổi, lao động nông nhàn, lao động từ các khu công nghiệp trở về và những lao động yếu thế tại địa phương.
Số lượng các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh trong làng nghề là 335.594 cơ sở, tăng 1,14% so với năm 2018; bao gồm 2.786 doanh nghiệp, 339 hợp tác xã, 509 tổ hợp tác và 331.960 hộ gia đình. Trong đó, nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản có số lượng cơ sở sản xuất nhiều nhất với 203.775 cơ sở, chiếm 60,7%; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 78.212 cơ sở, chiếm 23,3%; tiếp đến là nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 41.460 cơ sở, chiếm 12,35%; nhóm dịch vụ phục vụ đời sống dân cư có 10.753 cơ sở, chiếm 3,2%; nhóm xử lý chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 1.394 cơ sở, chiếm 0,4%.
Hình thức tổ chức sản xuất hiện nay trong các làng nghề CN-TTCN chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình, với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhưng đang có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất. Ở nhiều địa phương đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm tăng nhanh sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điển hình tại tỉnh Ninh Bình và Vĩnh Long đã hình thành một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng mây tre đan, liên kết với hàng trăm làng nghề, hàng chục nghìn hộ gia đình để đào tạo nghề, cung cấp nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Như vậy, việc phát triển làng nghề nói chung, làng nghề CN-TTCN nói riêng đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động trong các làng nghề cao hơn gấp 2-3 lần lao động thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có làng nghề thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước, qua đó, góp phần ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Về công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ:
Căn cứ quy định tại Nghị định số 123/2014/NĐCP ngày 25 tháng 12 năm 2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, tính đến hết năm 2020, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng cấp nhà nước xem xét, đề nghị Chủ tịch nước xét tặng 22 người là “Nghệ nhân Nhân dân” và 192 người là “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, tập trung vào các nghề: thêu, gốm sứ, hoa lụa, đậu bạc, chạm đồng, hoa khô, điêu khắc gỗ, chạm bạc, đúc đồng, đá, mộc mỹ nghệ, tranh dân gian Đông Hồ, sơn mài, điêu khắc, tạc tượng, sơn son thếp vàng, bạc truyền thống, mây tre đan, dệt lụa,… của các địa phương.
Việc vinh danh các nghệ nhân, những người có công xây dựng, truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống cũng như việc lưu truyền các tác phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Danh hiệu vinh dự cấp Nhà nước đã góp phần xây dựng thương hiệu cho các làng nghề (trong đó có các nghệ nhân) nhằm quảng bá tinh hoa, hình ảnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; thông qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm hàng hóa và trao đổi với các đối tác trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ .
2. Một số hoạt động hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề CN-TTCN của Cục Công Thương địa phương thời gian qua
Trong thời gian qua, mặc dù mới được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện hoạt động phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề CN-TTCN, nhưng Cục Công Thương địa phương (Cục CTĐP) đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động và đạt được một số kết quả như sau:
- Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề CN-TTCN: Cục CTĐP đã trình Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành một số văn bản để hỗ trợ, phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề bao gồm: + Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 về khuyến công. + Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP: Tại 2 Nghị định này đã quy định một số chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề di dời vào cụm công nghiệp. Đặc biệt, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP quy định nội dung ưu đãi, hỗ trợ riêng đối với các cụm công nghiệp làng nghề để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở địa phương.
- Về Chương trình khuyến công quốc gia: Cục CTĐP đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất (cơ sở công nghiệp nông thôn) tại các địa phương trên cả nước, trong đó có các cơ sở sản xuất tại các làng nghề các đề án khuyến công, góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp các cơ sở tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Bằng nguồn kinh phí khuyến công, Cục CTĐP đã phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong và ngoài các làng nghề một số nội dung như: đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho các lao động nông thôn; đào tạo nâng cao năng lực quản lý cán bộ, quản lý điều hành sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến cho các cơ sở; tổ chức một số hội chợ triển lãm chuyên ngành về thủ công mỹ nghệ cấp khu vực và cấp quốc gia... Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia, trong đó có các sản phẩm của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề tham gia. Kết quả, trong 1.632 sản phẩm được bình chọn có nhiều sản phẩm thuộc các cơ sở sản xuất trong các làng nghề. Các sản phẩm của các cơ sở công nghiệp nông thôn sau khi được bình chọn sẽ được ưu tiên tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thị trường trong nước, chuyển giao công nghệ và sàn thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu, phát triển chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp cận thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.
3. Một số khó khăn, tồn tại
- Công tác quy hoạch làng nghề của một số địa phương ban hành đã lâu, có một số nội dung không còn phù hợp, nhưng chưa được điều chỉnh thay đổi phù hợp tình hình mới đã gây khó khăn cho phát triển làng nghề.
- Hiện nay, hệ thống các văn bản quản lý đối với lĩnh vực làng nghề đã được Đảng, Chính phủ, các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương ban hành (quy hoạch - Luật Quy hoạch; đầu tư, xây dựng - Luật Đầu tư, Luật Xây dựng; chính sách hỗ trợ - Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật Hợp tác xã, nghị định về Khuyến công, nghị định về Tổ hợp tác;...) tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề giai đoạn vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nguyên nhân của việc này có thể là do khâu tổ chức triển khai còn có nơi chưa được tốt. Đặc biệt, công tác tuyên truyền để cho các cơ quan, đơn vị và người dân tại các làng nghề hiểu và thực hiện đúng theo định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn thực hiện chưa được tốt. Đây là điều cần sớm khắc phục trong thời gian tới để các làng nghề phát triển ổn định, bền vững.
- Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp: Công nghệ thiết bị phục vụ sản xuất của các làng nghề phần lớn lạc hậu, thủ công và bán cơ khí; mẫu mã đơn điệu, chậm thay đổi, kém sức cạnh tranh; nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chưa chủ động được, chưa có quy mô tập trung, chưa tạo được các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa lớn; các cơ sở sản xuất của các làng nghề gặp nhiều khó khăn nhất là tiếp cận vay vốn, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao tay nghề; nội tại yếu, năng lực cạnh tranh rất thấp...
- Trong cơ chế thị trường, do thu nhập nghề thấp, bấp bênh nên lao động trong các làng nghề chuyển dịch mạnh từ nông thôn ra các đô thị lớn tìm việc làm, hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Do đó, công tác nhân cấy, truyền nghề không được phát triển tốt, dẫn tới số lượng nghệ nhân, thợ nghề giỏi ở các làng nghề dần bị mai một.
- Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đang bị xuống cấp, sự phát triển “nóng” của các làng nghề thời gian qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của làng nghề.
- Nhiều làng nghề còn chưa có chiến lược phát triển sản phẩm, chưa đủ sức xây dựng thương hiệu làng nghề để khai thác tốt hơn thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong các làng nghề có tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nên không được bảo vệ dẫn đến không có động lực sáng tạo mẫu mã, nguyên liệu mới, từ đó làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh của sản phẩm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các làng nghề nằm trong các khu vực dân cư, trong thôn xóm ở các xã, sản xuất nhỏ lẻ thời vụ nên công tác tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng quản lý thị trường không trực tiếp kiểm tra nơi sản xuất mà phải thông qua hành vi vi phạm trên khâu lưu thông dẫn đến rất bị động trong công tác điều tra, phát hiện cũng như phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, nghi ngờ hàng giả, quản lý thị trường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp để xác định là hàng giả.
4. Một số đề xuất, nhiệm vụ của Cục Công Thương địa phương thời gian tới để hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề CN - TTCN
- Xây dựng và trình duyệt Đề án: “Giải pháp phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ dự thảo Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” (NNND, NNUT) trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
- Tiếp tục thực hiện công việc thường xuyên như: các hoạt động khuyến công và hoạt động phát triển cụm công nghiệp để hỗ trợ các cơ sở sản xuất (cơ sở công nghiệp nông thôn) tại các địa phương trên cả nước trong đó có các cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Qua đó, góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giúp các cơ sở tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển các làng nghề bền vững, phát triển công nghiệp nông thôn.
TTCN-CTĐP