Do không được nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, cũng như những trở ngại về vốn, nhân lực trong khâu thiết kế khiến sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) không có sự khác biệt, giá trị không cao.

Những năm gần đây cùng với sự hỗ trợ tích cực của chương trình khuyến công, sản phẩm CNNT thay đổi ngày một mạnh mẽ cả về chất và lượng, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Đời sống của người lao động khu vực nông thôn qua đó cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, để khuyến khích phát triển sản phẩm CNNT, ngành Công Thương đã tổ chức bình chọn và tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu từ cấp huyện, tỉnh, khu vực đến cấp quốc gia và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của doanh nghiệp (DN), cơ sở.

Tuy nhiên theo ông Vũ Hy Thiều - chuyên gia ngành thủ công mỹ nghệ, sản phẩm CNNT của Việt Nam, nhất là nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chưa theo được nhịp phát triển với hàng hóa cùng loại trong khu vực ASEAN. Sản phẩm thường được sản xuất theo lối truyền thống, sử dụng vật liệu cũ, không bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, DN thường không chú trọng cho khâu nghiên cứu thị trường, thay đổi thiết kế. Do đó, vẫn có tình trạng sản phẩm của các DN na ná nhau, không tạo được sự khác biệt, giá trị hàng hóa thấp.

Cùng đó, do sản phẩm CNNT chủ yếu được sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên độ đồng đều của sản phẩm không cao, rất khó đáp ứng được các đơn hàng lớn.

Bà Đặng Mai Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp cũng bày tỏ: Sản phẩm CNNT thể hiện rõ tính truyền thống là một ưu thế nhưng sản phẩm này lại chưa theo kịp với thị hiếu đương đại, nhất là với thị hiếu tiêu dùng tại các quốc gia nhập khẩu. Điều này khiến việc xuất khẩu các sản phẩm CNNT còn gặp nhiều khó khăn.

Trước những bất cập trên nhiều chuyên gia cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước và DN cần bắt tay nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm tạo sự khác biệt và nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm CNNT.

Cụ thể, DN cần đầu tư thích đáng cho thiết kế mẫu mã sản phẩm. Khâu thiết kế phải được dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc về xu hướng thị trường, kết hợp với các nguyên phụ liệu mới thân thiện môi trường. Sản phẩm lấy công năng sử dụng làm yếu tố tiên quyết, kết hợp với hình thức đơn giản, họa tiết bản địa nhằm tạo sự độc đáo, hấp dẫn người tiêu dùng.

Với sản phẩm tiêu dùng, máy móc thiết bị nên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để có thể sản xuất hàng loạt, nâng cao năng suất. Ngoài ra, DN có thể ứng dụng công nghệ tự động hóa trong thiết kế mẫu mã; công nghệ sinh học trong chế biến, nhất là chế biến thực phẩm nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp các địa phương hướng dẫn cho DN đưa thông tin, hình ảnh sản phẩm lên internet. Đây là kênh ngắn nhất và khá hiệu quả cho việc quảng bá sản phẩm tới các nhà nhập khẩu. Cùng đó, chương trình khuyến công hiện đang thực hiện rất nhiều các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới, sản phẩm mới nhưng chưa được quảng bá rộng rãi. Có thể thành lập một website giới thiệu cặn kẽ các quy trình sản xuất nhằm tăng sức lan tỏa cho nội dung quan trọng này.

Nhấn mạnh vai trò của DN trong các giải pháp này, đại diện Sở Công Thương Vĩnh Long đề nghị: Các cơ sở CNNT chủ động đổi mới cách thức quản trị DN, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất, liên kết theo chuỗi sản xuất. Đồng thời, nhạy bén nắm bắt sự thay đổi của thị trường để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.


Phạm Kim