Theo đó, Đề án nhằm mục tiêu tái cơ cấu ngành công thương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng lao động và năng lực cạnh tranh của ngành. Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức, mô hình quản lý của ngành.
Đề án cũng đề ra mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 là khoảng 6,5-7%, giai đoạn 2020-2030 đạt 7,5-8%. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020 chiếm 42-43%, đến năm 2030 chiếm 43-45%. Phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 15%/năm, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 5% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020, thặng dư thương mại thời kỳ 2021-2030. Phấn đấu tăng đóng góp của thương mại trong nước vào GDP của cả nền kinh tế; đến năm 2015 chiếm khoảng 14%, tới năm 2020 chiếm 14,5-15%, tới năm 2030 chiếm 15,5-16%.
Đề án cũng đưa ra nội dung tái cơ cấu theo từng lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực công nghiệp phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, hướng đến tập trung một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; giá trị xuất khẩu lớn; tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển; sử dụng công nghệ cao; giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động đơn giản.
Lĩnh vực năng lượng, tìm kiếm đa dạng hóa trong huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành năng lượng. Phân bổ nguồn vốn đầu tư hợp lý, đầu tư trong và ngoài nước đảm bảo hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh khai thác, chế biến, vận chuyển, phân phối dịch vụ dầu khí trong và ngoài nước, gia tăng trữ lượng đầu tư mua mỏ ở nước ngoài. Xây dựng đề án thành lập cơ quan quả lý nhà nước về năng lượng. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành dầu khí. Cơ cấu lại mô hình hoạt động của các Tổng công ty phát điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các Tổng công ty điện lực…
Trong lĩnh vực thương mại, phát triển xuất khẩu tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chiến lược xuất khẩu của ngành công thương giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Phát triển các ngành hàng xuất khẩu như: Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; nhóm hàng công nghiệp chế biến…Tiếp tục đa dạng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại quốc tế.
Đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động tái cơ cấu ngành. Theo đó, ngành Công Thương sẽ đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, gắn chiến lược với xây dựng quy hoạch, giám sát nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với quy hoạch. Nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Chi tiết Đề án tái cơ cấu ngành công thương xem tại đây.
ARID