Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, trong đó có mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giữ vững mức xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo/năm.


Quy hoạch nêu rõ mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL đạt 7,7%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 8,6%/năm giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 30,2 triệu đồng, tương đương 1.550 - 1.600 USD/năm; năm 2020 khoảng 57,9 triệu đồng, tương đương 2.750 - 2.850 USD/năm. Đến năm 2015 phấn đấu tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp trong GDP của vùng là 36,7%; công nghiệp, xây dựng 30,4%; dịch vụ 32,9%; đến năm 2020, tỷ trọng tương ứng của các ngành là: 30,5% - 35,6% - 33,9%. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giữ vững xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo/năm.

 

Quy hoạch định hướng đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, trọng tâm là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hướng vào xuất khẩu; công nghiệp điện và năng lượng, công nghiệp dệt may và da giầy, công nghiệp cơ khí. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân 16%/năm giai đoạn 2011 – 2015 và đạt 16,5%/năm giai đoạn 2016 – 2020.

 

 Việc quy hoạch và đầu tư phát triển các khu công nghiệp phải đồng bộ, gắn với đào tạo nguồn nhân lực, lao động có tay nghề cao, đầu tư hạ tầng xã hội. Hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển khu, CCN. thực hiện đúng các quy định về thành lập các khu công nghiệp mới. Chú trọng phát triển các CCN, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tại các địa phương.

 

TT-ĐT (AIP)