12 nhóm tham gia thảo luận tại phiên đàm phán lần này gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác hải quan, SPS, TBT, phát triển bền vững, pháp lý-thể chế, v.v. Tại phiên khai mạc ngày 23 tháng 4, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và EU đều nhất trí duy trì tinh thần làm việc tích cực của hai phiên đàm phán trước, trên cơ sở quan điểm và cách tiếp cận của nhau để hai bên tiến vào đàm phán thực chất tại phiên này. Hai bên cũng thống nhất lộ trình các công việc cần thiết để thực hiện định hướng và mục tiêu thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA theo đúng thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai bên là nỗ lực kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014.
Phiên đàm phán thứ ba đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở và hợp tác. Các chuyên gia đàm phán của Việt Nam và EU tiếp tục trao đổi quan điểm, cách tiếp cận của mình trong các lĩnh vực cụ thể, đồng thời giới thiệu chi tiết hơn nữa hệ thống chính sách, quy định liên quan của mỗi bên để giải thích, làm rõ các đề xuất, yêu cầu của mình. Sau phiên đàm phán, hai bên đều đã đạt được hiểu biết nhất định về quan điểm, mong muốn, cách tiếp cận vấn đề của phía đối tác, giảm thiểu tối đa các vấn đề còn khác biệt, hướng tới thống nhất cách tiếp cận chung. Tiến triển nổi bật nhất tại phiên này là hầu hết các nhóm đã có dự thảo lời văn tổng hợp và đi vào thảo luận chi tiết lời văn này. Một số nhóm đã trao đổi bản yêu cầu và các yếu tố chính của bản chào ban đầu. Trên cơ sở đó, hai bên sẽ triển khai tham vấn trong nước, tiến tới đàm phán sâu và chi tiết hơn trong các phiên tiếp theo. Hai bên cũng đã nhất trí lộ trình và những nội dung sẽ tiếp tục được triển khai để chuẩn bị cho phiên đàm phán thứ tư.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2012, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 29,1 tỷ đô la. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 20,3 tỷ đô la và nhập khẩu từ EU đạt 8,8 tỷ đô la. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, tính đến hết tháng 01 năm 2013, EU có 1810 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 34,28 tỷ đô la. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Vụ Chính sách thương mại đa biên