Cùng dự và làm việc với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài nguyên & Môi trường, Khoa học & Công nghệ… Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng các Thứ trưởng và đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện, đơn vị chức năng, các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ đã làm việc với đoàn công tác của Phó Thủ tướng.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã báo cáo Phó Thủ tướng và đoàn công tác tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011, mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015 của ngành Công Thương. Dự báo cả năm 2011, giá trị XSCN toàn ngành ước đạt 915,86 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2010; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%); Nhập siêu khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,4% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội (không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu), cũng như của Chính phủ (không vượt quá 16% kim ngạch xuất khẩu). Thị trường trong nước luôn đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, với dự kiến tổng mức bán lẻ cả năm sẽ đạt gần 2.000.000 tỷ đồng, tăng khoảng 29,3% so với năm 2010. Tuy nhiên, về đầu tư các dự án tại các tập đoàn, TCT, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ còn gặp nhiều khó khăn chung, nên thực hiện năm 2011 khoảng 231.395 tỷ đồng, bằng 92,4% kế hoạch.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GPD năm 2012 khoảng 6 - 6,5%, thì ngành Công Thương phải phấn đấu đạt: GTXSCN tăng 13% so với năm 2011; Giá trị gia tăng toàn ngành CN tăng khoảng 7,5% so với thực hiện năm 2011. Và với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, GDP bình quân đạt 6,5 -7%, thì giai đoạn 2011 - 2015, SXCN phải tăng bình quân 9 -10%/năm, GTSXCN bình quân toàn ngành tăng 13,5%, tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng khoảng 7,8%/năm (trong đó công nghiệp tăng khoảng 7,9%/năm). Tốc độ tăng trưởng XK bình quân 12,1%/năm, phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch XK đạt 133 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%/năm, dự kiến là 146 tỷ USD vào năm 2015, như vậy, nhập siêu năm 2015 khoảng 9,8% so với kim ngạch xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, phấn đấu đến 2015 đạt khoảng 4.000.000 tỷ đồng. Theo đó, nhu cầu về vốn đầu tư cho cả giai đoạn 5 năm của Bộ Công Thương khoảng 1.851.000 tỷ đồng, trong đó cho các TĐ, TCT Nhà nước thuộc Bộ là 1.848.000 tỷ đồng, còn lại là cho khối hành chính sự nghiệp.
Tiếp đó, đại diện lãnh đạo các TĐ, TCT: Dầu khí, Điện lực, Hoá chất, Dệt may… đã báo cáo tình hình thực tế, những thuận lợi và khó khăn của các lĩnh vực cụ thể của các TĐ, TCT. Đại diện lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu một số vấn đề liên quan đến sự phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện kế hoạch trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải đáp các vấn đề các Bộ đưa ra, như nhập khẩu than cho sản xuất điện, nhập khẩu khí, hoạt động của các ban chỉ đạo về các dự án điện, cân đối các mặt hàng thiết yếu nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, rà soát khai thác khoáng sản, sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp, phối hợp với Bộ Nông nghiệp trong xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản...
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã biểu dương những nỗ lực và kết quả đáng khích lệ của ngành Công Thương trong thời gian qua. Đó là trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, ngành Công Thương đã có sự chuyển dịch tốt cơ cấu, khuyến khích các thành phần kinh tế xã hội tham gia phát triển công nghiệp - thương mại, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt trên kế hoạch. Phó Thủ tướng nhất trí với 5 nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra, nhưng lưu ý những thách thức có thể còn khó khăn hơn năm 2011, nhưng cũng là những giải pháp lớn mà ngành Công Thương cần quan tâm thực hiện. Đó là: nền kinh tế mở, thì xu thế bảo hộ thị trường trong nước ngày càng co lại, nên phải tranh thủ những cơ chế ưu đãi thành nguồn lực phát triển, đẩy mạnh sản xuất; Tiếp đó là thách thức về dòng vốn là thách thức lớn, nên phải tăng cường thu hút đầu tư bên ngoài; An ninh năng lượng cũng cần phải có giải pháp lớn để cân bằng không chỉ trong 5 năm mà phải cho dài hạn; Khẩn trương bổ sung hoàn thiện các quy hoạch cho 5 năm tiếp theo; Tập trung cho cơ khí phục vụ nông nghiệp nông thôn để tăng năng suất, đồng thời tăng cường sử dụng máy móc thiết bị sản xuất trong nước cho các dự án, gói thầu của các TĐ, TCT; Tận dụng các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển; Tìm cơ chế kiểm soát hàng giả; Phát triển thương hiệu, hệ thống phân phối các sản phẩm dệt may, da giày…
Phó Thủ tướng cũng chú ý giải pháp lớn hơn cả là sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan nhà nước với nhau và tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, ngành Công Thương sẽ tiếp tục đạt được mục tiêu kế hoạch đặt ra, xứng đáng với vai trò là ngành sản xuất chủ lực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Nguồn: IRV