Nữ chiếm 32% toàn ngành
Theo bà Nguyễn Thị Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương: Hiện nay lao động nữ toàn ngành chiếm 32% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành. Việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2013 của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ và của toàn ngành Công Thương đều có sự đóng góp xứng đáng của chị em phụ nữ.
Năm 2013 là năm thứ 6 triển khai và thực hiện Nghị quyết số 11/NQTW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước”. Hàng năm Bộ Công Thương thường niên tổ chức hội nghị này, sau mỗi năm tổng kết, nhận thức của các cấp lãnh đạo được nâng lên, chị em ở mọi lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp uỷ và lãnh đạo các cấp để phát huy năng lực, sở trường tham gia các hoạt động quản lý, nghiên cứu sản xuất kinh doanh của đơn vị, qua đó phát hiện bồi dưỡng phát triển cán bộ nữ có năng lực để quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng, từng bước phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu của chiến lược bình đẳng giới đề ra.Thực tế cho thấy các đơn vị được cấp uỷ Đảng và lãnh đạo đơn vị quan tâm và triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 11 – NQTW của Bộ Chính trị thì ở đó tỷ lệ lao động nữ có những chuyển biến tích cực, đóng góp nhiều cho đơn vị, xã hội cũng như gia đình; tập thể chị em đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, có ý thức tổ chức kỷ luật, có ý thức học hỏi, nâng cao trình độ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác quy hoạch và nâng cao năng lực cán bộ nữ ngành Công Thương thời gian qua tiếp tục được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác nữ của ngành cũng như công tác cán bộ nói chung. Những quan điểm khắt khe, hẹp hòi với phụ nữ trong đánh giá, đào tạo, giao nhiệm vụ đã được khắc phục ở nhiều đơn vị đã được nâng lên. Ban VSTBPN các cấp trong toàn ngành đã được thành lập, có xây dựng quy chế hoạt động chương trình, kế hoạch công tác, đề ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ nữ, hoạt động của các tổ chức phụ nữ được quan tâm và nâng cao chất lượng công tác. Tuy nhiên tỷ lệ tham gia lãnh đạo của ngành Công Thương hiện nay vẫn còn thấp so với nam giới, chưa tương xứng với năng lực và sự đóng góp của đội ngũ nữ lao động của ngành. Từ thực tế này đòi hỏi lãnh đạo Bộ và lãnh đạo đơn vị các cấp phải tiếp tục có những giải pháp khắc phục cụ thể.
Cũng tại Hội nghị này, bà Tạ Thị Vân Anh, Trưởng Ban Nữ công, Công đoàn Công Thương Việt Nam cho rằng: Trong những năm qua, nữ CNVC, LĐ ngành Công Thương đã có những đóng góp to lớn trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và quản lý nhà nước. Phong trào nữ CNVC, LĐ Công đoàn Công Thương Việt Nam có bước phát triển mới là nhờ có được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của CĐCTVN, Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn đối với công tác vận động nữ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó là sự phối hợp, chặt chẽ của Ban VSTBPN, Bộ Công Thương trong công tác vận động nữ CNVC, LĐ, tổ chức các phong trào nữ với nhiều hình thứ da dạng, phong phú, đạt hiệu quả cao, động viên phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, lao động sáng tạo trong các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nữ CNVC, LĐ ngày càng nhận thức được đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của mình trong xã hội và việc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ, sự tiến bộ của phụ nữ là do chính phụ nữ quyết định. Từ những phong trào hoạt động của nữ CNVC, LĐ, Ban Nữ công cùng với Ban VSTBPN đề xuất, giới thiệu các nữ CNVC, LĐ tiêu biểu xuất sắc để đề bạt các vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo các cấp. Đội ngũ nữ CNVC LĐ trong ngành có bước phát triển lớn về chất lượng, tuy nhiên so với yêu cầu ngày càng cao của xã hội đòi hỏi nữ CNVC, LĐ cần tích cực hơn nữa trong việc khắc phục những khó khăn, tồn tại để đạt được mục tiêu VSTBPN ngành Công Thương giai đoạn tiếp theo. Đồng thời trong năm 2014, Công Đoàn CôngThương Việt Nam sẽ phối hợp với Ban VSTBPN Bộ Công Thương để chỉ đạo thực hiện các mục tiêu kế hoạch hành động VSTBPN của ngành. Tổ chức kiểm tra thực hiện chế độ,chính sách đối với lao động nữ và trẻ em. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho nữ CNVCLĐ, phát hiện và giới thiệu cán bộ nữ công, cán bộ công đoàn và nữ CNVC,LĐ xuất sắc trong phong trào tham gia vào các vị trí lãnh đạo.
Năm 2013, Bộ Công Thương đã bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới 20 cán bộ nữ cấp Vụ, 18 cán bộ nữ cấp phòng, 3 nữ kế toán trưởng. Thực tế chị em được giao giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đều nêu cao tình thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phát biểu Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã biểu dương ý kiến tham luận, trong đó có Tạp chí Công Thương, đơn vị thành công về công tác cán bộ nữ và thực hiện bình đẳng giới, trong đó cơ cấu lãnh đạo nữ chiếm 50%, Tổng Biên tập là nữ; 100% trưởng các phòng ban đều là nữ. Mặc dù mới thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa 2 đơn vị Tạp chí Công nghiệp và Tạp chí Thương mại, nhưng thành công của tạp chí Công Thương là chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị đã ổn định đi vào hoạt động nề nếp, kiện toàn các Ban chuyên môn. Dù số lượng cán bộ, phóng viên tăng gấp đôi, nhưng Tạp chí vẫn tự trang trải dược các chi phí về in ấn, tiền lương, chi phí hành chính và các hoạt động, không nợ đọng tiền thuế, đời sống cán bộ, công chức, phóng viên của đơn vị được duy trì và giữ vững, bình quân thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Từ thực tế này, Thứ trưởng Khánh cũng đã nêu ra những kinh nghiệm để các đơn vị thành công trong công tác hoạt động VSTBPN và Bình đẳng giới trong tuyển chọn bồi dưỡng quy hoạch cán bộ nữ đó là: Không nên câu nệ đầu vào khi tuyển chọn, tránh chạy theo tỷ lệ, nên quan tâm tới chất lượng đội ngũ cán bộ nữ, tranh thủ, tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ ở độ tuổi “vàng son”, có thể cống hiến được nhiều cho công việc, chưa phải vướng bận việc sinh nở, nuôi con nhỏ…Đặc biệt người đứng đầu đơn vị phải biết cách thuyết phục chị em, sắp xếp thời gian hợp lý trong công việc gia đình, lựa chọn thời kỳ sinh con phù hợp để không ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị công tác, chú ý dành tình cảm quan tâm, động viên đến, gia đình người chồng của họ… để chị em có thêm động lực và cống hiến cho công việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan giao phó.
Những mặt hạn chế và đề xuất, kiến nghị
Mặc dù công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới đã được quan tâm hơn, nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo vẫn còn thấp so với nam giới, chưa tương xứng với năng lực và sự đóng góp của đội ngũ nữ lao động của ngành.Từ thực tế này đòi hỏi lãnh đạo Bộ và lãnh đạo đơn vị các cấp phải tiếp tục có những giải pháp cụ thể. Mặt khác, do đặc điểm của ngành Công Thương đòi hỏi cán bộ năng động, có kiến thức chuyên môn rộng, kỹ năng đàm phán, ngoại ngữ, tin học, bản lĩnh lập trường trong điều kiện hội nhập, cán bộ nữ sẽ gặp khó khăn vì phải làm việc trong điều kiện phức tạp, di chuyển nhiều, vốn kiến thức đa dạng, trong khi phụ nữ phải đảm đương công việc gia đình, thực hiện thiên chức làm mẹ, điều kiện nâng cao trình độ trong độ tuổi phát triển gặp khó khăn. Đây là điểm không thuận lợi so với nam giới. Vì thế một số nữ trong quy hoạch phấn đấu chưa toàn diện, cho nên kết quả tín nhiệm đối với tập thể còn chưa cao.
Bên cạnh đó, một số quy định trong các lĩnh vực có liên quan đến bình đẳng giới chưa phù hợp đã dẫn tới những hạn chế điêu kiện và cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ như vấn đề tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm của cán bộ, công chức nữ. Việc tổ chức, bộ máy về bình đẳng giới tại các Bộ, ngành chưa được quy định cụ thể, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới chưa được chuyên trách và chưa được đào tạo các kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Để nâng cao chất lượng hoạt động các phong trào của nữ CNVC, LĐ ngành Công Thương, Ban VSTBPN, Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm, quán triệt tới công tác VSTBPN, thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nữ theo Hướng dẫn số 15 – HD/BTCTW ngày 5/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị 9 (khoá IX) và Kết luận số 24 – KL/TW ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị (khoá XI).
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng Ban VSTBPN của Bộ: Trong thời gian tới ông sẽ trực tiếp có những khuyến nghị tới Bộ Trưởng trong việc rà soát, ban hành các quy định có liên quan đến các lĩnh vực bình đẳng giới cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia bình đẳng giới như các vấn đề, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm của cán bộ, công chức nữ, v.v… Đồng thời cũng kiến nghị trực tiếp với Bộ trưởng về Quy định cụ thể tổ chức, bộ máy, đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới, cần phải được đào tạo, đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Nguồn: Tạp chí Công Thương