
Song trong bối cảnh tất cả cùng hoà ra biển lớn, nền kinh tế- xã hội của tỉnh cũng ẩn chứa không ít những khó khăn, thách thức, đó là: Sản xuất địa phương nhỏ lẻ, giá trị thấp, năng lực cạnh tranh của các đơn vị, doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hoá còn yếu, bộ máy quản lý cũng còn có những hạn chế….
Vượt qua những khó khăn trên, tranh thủ phát huy các lợi thế: Giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực rồi rào, có trình độ văn hoá khá, cần cù, chịu khó… Các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh đã tích cực tham gia tiến trình đổi mới và hội nhập của cả nước, từng bước tận dụng tốt các cơ hội và lợi thế để thực hiện mục tiêu sớm đưa tỉnh ta thoát khỏi tỉnh nghèo trở thành tỉnh có nền kinh tế công nông nghiệp, dịch vụ phát triển nhanh và bền vững. Bước đầu để triển khai công tác hội nhập kinh tế trên địa bàn, tỉnh ta đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế; chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết quốc tế của Việt Nam; tổ chức các khoá tập huấn, các buổi nói chuyện thời sự về quá trình đàm phán gia nhập WTO…
Trong quá trình tổ chức thực hiện, đã vận dụng đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của tỉnh, phát huy những lợi thế so sánh, huy động các nguồn lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Để tạo lập môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, UBND Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho các đơn vị, các thành phần kinh tế phát triển và chủ động tham gia hội nhập: Triển khai thực hiện Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, thực hiện cơ chế một cửa, một đầu mối liên thông, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, công bố kịp thời lộ trình cắt giảm thuế và các hàng rào phi thuế quan… Đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động xây dựng quy hoạch phân vùng kinh tế, các chính sách kinh tế, xây dựng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn; tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực. Cơ cấu kinh tế được điều chỉnh phù hợp với đặc thù của địa phương và chuyển dịch theo hướng đa thành phần, nhờ đó hàng năm tỷ trọng các ngành công nghiệp dịch vụ đều tăng, kinh tế ngoài quốc doanh , kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu thành phần kinh tế. Đáng chú ý những doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý sau khi thực hiện sắp xếp chuyển đổi đều có môi trường sản xuất kinh doanh phù hợp, một số doanh nghiệp đã nâng cao được sức cạnh tranh, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, vững tin bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, tỷ trọng trong GDP tăng 2,3% và đóng góp gần 52% vào GDP của tỉnh. Riêng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, do tỉnh ta tạo dựng được môi trường đầu tư thuận lợi nên đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đưa thành phần kinh tế này trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được trên 100 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 700 triệu USD. Bên cạnh đó hoạt động xuất nhập khẩu có bước phát triển cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng, thị trường xuất khẩu được mở rộng thêm nhiều thị trường mới như thị trường Mỹ, Châu Phi. Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm 4% xuống còn 3,4%; quỹ thời gian lao động nông thôn tăng 75,15% lên 79,2%. Đáng chú ý trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xác định con người là nhân tố quyết định trong cạnh tranh hội nhập, tỉnh ta đã vận dụng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tế của tỉnh để ban hành các cơ chế chính sách mới về giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Do đó công tác đào tạo, dạy nghề đã có sự chuyển hướng sát với thực tế sản xuất và thị trường lao động, hàng năm trên 80% học viên của các cơ sở dạy nghề ra trường đều có việc làm tại các doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 3.000 người được đưa đi xuất khẩu lao động.
Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ doanh nghiệp và đào tạo lao động đều được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm. Bên cạnh đó công tác bảo vệ an ninh chính trị trong hội nhập kinh tế quốc tế được coi trọng, đã đảm bảo an toàn tuyệt đối các hoạt động chính trị đối ngoại diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh cũng bộc lộ một số hạn chế đó là: Tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; các yếu tố về đất đai, nguồn nhân lực, tiền vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa được khai thác triệt để và sử dụng có hiệu quả. Quy mô, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm so với yêu cầu của quá trình hội nhập, hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao, năng lực quản lý cũng như công nghệ sản xuất chưa cập với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn lao động tuy rồi rào song chất lượng nguồn lực và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động còn yếu. Do vậy để đẩy mạnh việc hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh ta xác định cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch- quy hoạch, tăng cường phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, tích cực thu hút đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, phát triển thương mại dịch vụ, phát triển công nghiệp TTCN, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn… và cần hơn nữa là sự chung sức đồng lòng của cả cộng đồng xã hội trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguồn:ipcphutho.com.vn