Tin tức chung
Là vùng đất bán sơn địa, đa số người dân thuần nông, nhưng nhiều năm trở lại đây, Cẩm Khê (Phú Thọ) chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng đa ngành nghề, trong đó chú trọng khôi phục thế mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đưa giá trị của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) từ vài chục triệu lên 30 tỷ đồng/năm, chiếm trên 40% tỷ trọng cơ cấu sản xuất của huyện hàng năm, giải quyết được việc làm cho trên 530 lao động tham gia sản xuất công nghiệp và gần 7.000 lao động sản xuất TTCN với thu nhập bình quân từ 800.000- 1.500.000 đồng/người/tháng.
Là huyện tương đối đông dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng từ rất sớm người dân Cẩm Khê đã giải quyết vấn đề "nông nhàn" bằng nghề làm nón lá. Nón lá Sai Nga của Cẩm Khê nổi tiếng đẹp chẳng kém gì những chiếc nón bài thơ xứ Huế bởi nó được làm từ những búp cọ nổi tiếng Phú Thọ, có sự gia công khéo léo của những đôi tay các nghệ nhân làng nghề lâu đời. Sau khi mở cơ chế cho các thành phần kinh tế phát triển, Đảng bộ và chính quyền xã Cẩm Khê khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp khác như mây giang đan xuất khẩu, kết bèo tây xuất khẩu, đồ gỗ trạm khảm mỹ nghệ, chè, đan lát, mành cọ...là những thứ thuộc thế mạnh của địa phương được bà con Cẩm Khê sản xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, khách hàng ưa chuộng.
Hiện toàn huyện có 4 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận là làng đan lát Ngô Xá, Tùng Khê, làng nón Sai Nga và làng mộc Dư Ba. Năm 2008, doanh thu từ các làng nghề đạt trên 30 tỷ đồng, thu hút và giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động. Cùng với đó 3 cụm làng nghề gắn với du lịch cũng đang được hình thành là cụm làng nghề du lịch Tuy Lộc- Ngô Xá- Tiên Lương; cụm làng nghề du lịch Tùng Khê- Văn Bán; cụm làng nghề du lịch Sai Nga. Các cụm làng nghề này đang được huyện đầu tư triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá thương hiệu làng nghề, thương hiệu sản phẩm ra thị trường.
Bằng hình thức mở hội chợ tạo điều kiện giới thiệu và bán sản phẩm của các làng nghề CN -TTCN Cẩm Khê ngày càng được khách hàng gần xa biết đến, qua đó thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các làng nghề, các cụm công nghiệp và các xã có tiềm năng phát triển sản xuất CN-TTCN, tập trung sản xuất các mặt hàng thế mạnh và hướng tới xuất khẩu tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân. Từ một địa phương được mệnh danh là “không ống khói” thì giờ đây các cụm công nghiệp làng nghề đang được tập trung hoàn thiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN, dịch vụ, thương mại. Trong lĩnh vực nông nghiệp huyện cũng từng bước chuyên canh hoá vùng trồng hoa, trồng lúa cao sản, trồng các cây công nghiệp ngắn ngày bằng hình thức xen canh, gối vụ, xoá bỏ độc canh cây lúa nên giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn hẳn năm 2005 về trước.
Cẩm Khê hôm nay đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà khang trang mọc lên thay thế nhà mái lá. Vào Cẩm Khê, người ta dễ nhận ra "những làng nghề bên làng lúa" suốt từ Yên Tập, Ngô Xá đến Tình Cương, đâu đâu cũng vang lên âm thanh tiếng máy cưa, máy xay xát, tiếng pha nan đan cót, tiếng cước sột xoạt theo nhịp tay khâu nón tạo nên một bức tranh sinh động của một miền quê, góp phần tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế của địa phương./.
Hương Thu
Tin đã đăng