Với 400 năm lịch sử tồn tại và phát triển, làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh, xã phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nổi tiếng là nơi lưu giữ nhiều cách đan “lạ”, sản phẩm “lạ” và rất khác biệt. Đặc biệt, Phú Vinh còn nổi tiếng bởi sự sáng tạo trong cải tiến mẫu và khả năng nắm bắt thị trường nhanh nhạy. Điều đó được thể hiện ở con số thống kê của UBND xã Phú Nghĩa. Làng nghề Phú Vinh hiện có 15 doanh nghiệp chuyên sản xuất, thu mua sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu với hàng chục vạn sản phẩm được xuất khẩu, trung bình mỗi năm Phú Vinh thu về khoảng 20 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây do nhu cầu của thị trường đặc biệt là nhu cầu của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp làng nghề của Phú Vinh đã bắt đầu hướng đến sản xuất những dòng sản phẩm chuyên biệt. Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Hương Dung cho biết, hiện nay, sản phẩm của Phú Vinh được chia thành 4 dòng sản phẩm khác nhau gồm: sản phẩm nội thất như bàn ghế, kệ, giá để đồ...; sản phẩm trang trí nội thất như khung tranh, khung gương, giỏ, bình ủ...; sản phẩm gia dụng như: khay, đĩa các loại, lọ hoa… và sản phẩm bao bì. Mỗi dòng sản phẩm đòi hỏi những kỹ thuật sản xuất, cách chế biến, bảo quản nguyên liệu, sản phẩm khác nhau.
Việc mỗi doanh nghiệp của Phú Vinh hướng đến sản xuất chuyên biệt một dòng sản phẩm là điều tất yếu, bởi xu hướng của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước hiện nay đều rất coi trọng cái “tinh tế”, cái “độc đáo” của sản phẩm, bà Hương nhấn mạnh.. Mặc dù sản xuất những dòng sản phẩm chuyên biệt này đòi hỏi phải chăm chút hơn, kỹ lưỡng hơn, phạm vi đối tác hẹp hơn nhưng bù lại giá trị kinh tế của những sản phẩm này lại rất cao. Theo chia sẻ của nghệ nhân Phạm Văn Trung, các sản phẩm được sản xuất chuyên biệt hóa có giá trị gấp khoảng 1,5 lần so với các sản phẩm thông thường. Đơn cử như, một sản phẩm lọ lục bình thuộc dòng sản phẩm trang trí nội thất được sản xuất chuyên biệt với lối đan tạo hình hoa và cách kết cấu xiên được Công ty Hương Dung xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ có giá 350.000 đồng trong khi cũng là lọ lục bình được sản xuất đại trà với cách đan thông thường chỉ có giá 200.000 đồng…
Bên cạnh đó, với các sản phẩm chuyên biệt theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu ổn định hơn đặc biệt là đơn hàng từ EU, nhờ đó thu nhập của người lao động cũng được tăng lên đáng kể, nếu khoảng 5 năm về trước thu nhập của người lao động là khoảng 1 triệu đồng/người/tháng thì nay tăng lên khoảng 1,9-2 triệu đồng/người/tháng. Động lực giúp Phú Vinh thực hiện thành công mô hình này, theo lời chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, chính là chất lượng nguồn nhân lực của làng nghề. Với khoảng 3.000 lao động, 17 nghệ nhân, thợ giỏi, Phú Vinh có thể đáp ứng được mọi mẫu mã sản phẩm đối tác yêu cầu.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho làng nghề, hàng năm cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, Tổng Cục dạy nghề… làng nghề Phú Vinh tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho khoảng 40 lao động tại làng nghề. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề của Phú Vinh rất chuyên nghiệp, đội ngũ làm công tác truyền nghề, dạy nghề của Phú Vinh đều được trải qua các khóa đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Để tăng hiệu quả cho công tác đào tạo và tạo vùng lao động vệ tinh, doanh nghiệp, làng nghề Phú Vinh sẵn sàng làm đầu mối tiêu thụ hàng cho người lao động học nghề.
Phạm Kim