Nhằm hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, mới đây Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Phương thức tiếp cận thị trường mới cho các làng nghề truyền thống”, đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong nhiệm vụ triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của trung tâm.


Theo thống kê, cả nước hiện nay có hơn 2.700 làng nghề với 1,4 triệu lao động, lực lượng làng nghề đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành thủ công mỹ nghệ. Và thực tế là phần lớn hoạt động sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu hiện nay đều diễn ra tại các làng nghề. Tuy nhiên, theo điều tra của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (TTCN&TM) ở các cơ sở sản xuất (CSSX), DN tại các làng nghề của tỉnh Vĩnh phúc, Bắc Ninh và một số huyện ngoại thành Hà Nội thì hầu hết các CSSX, DN làng nghề đều “làm thuê” cho các DN thương mại lớn, chỉ có rất ít DN làng nghề (chưa được 10%) chủ động xuất khẩu được sản phẩm và hầu hết là xuất khẩu đi các thị trường truyền thống như các nước Đông Âu và Trung Quốc... Việc tiếp cận với các thị trường mới của các CSSX, DN làng nghề rất hạn chế.


Nguyên nhân của tình trạng này được bà Hoàng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Trung tâm TTCN&TM chỉ ra rằng, đối với hầu hết các CSSX, DN tại các làng nghề truyền thống việc tìm kiếm thông tin đối tác và xác thực thông tin về đối tác, thị hiếu về thị trường chính và thị trường tiềm năng, quảng bá sản phẩm... là việc làm rất khó khăn do rào cản về ngôn ngữ và thiếu hiểu biết về thông lệ quốc tế.


Chia sẻ thêm về điều này, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoạn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm cho biết, hạn chế lớn nhất của làng nghề chúng tôi là chưa quảng bá được sản phẩm trên mạng Internet, việc giới thiệu sản phẩm của làng nghề hiện phần lớn được giới thiệu qua các cửa hàng nhỏ lẻ và thực hiện theo lối “mạnh ai nấy làm” nên khách hàng không có cái nhìn tổng quan về sản phẩm của làng nghề. Thêm vào đó, sản phẩm của Đồng Xâm đã từng được xuất khẩu nhưng người Đồng Xâm không biết người mua hàng ở đâu, họ thích gì và không thích gì ở sản phẩm, bởi phần lớn sản phẩm của làng nghề đều xuất khẩu qua trung gian. Do đó, người sản xuất như chúng tôi ngoài việc bị thiệt thòi về kinh tế còn không nắm bắt được nhu cầu cũng như sự thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng và thực tế, vài năm trở lại đây Đồng Xâm không còn xuất khẩu được nữa mà chủ yếu chỉ phát triển được ở thị trường trong nước. Vì vậy mong muốn lớn nhất của làng nghề Đồng Xâm hiện nay là được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc quảng bá sản phẩm trên hệ thống Internet, hỗ trợ về đối tác cũng như xác thực thông tin về đối tác và đặc biệt là nhận được sự hỗ trợ về việc đào tạo nguồn lao động để xây dựng được đội ngũ lao động có tay nghề cao đáp ứng cho sản xuất của làng nghề...


Để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề về tiếp cận thị trường mới, bà Oanh cho biết thêm, Trung tâm TTCN&TM sẽ hỗ trợ cho các CSSX, DN làng nghề thông tin phân tích về thị trường, mặt hàng; hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, đối tác trong và ngoài nước; xác thực thông tin bạn hàng; hỗ trợ đàm phán; cung cấp giá tham khảo các mặt hàng xuất nhập khẩu thông qua sàn thương mại điện tử của Bộ Công Thương; chuẩn hóa các form thức thông tin DN để đưa lên công cụ hỗ trợ nhằm tăng tính khả thi cho khách hàng tìm kiếm. Ngoài ra, bà Oanh cũng khuyến cáo các DN, CSSX nên sử dụng các phương thức tiếp cận thị trường thông qua các công cụ hỗ trợ trực tuyến như: web, email, mạng xã hội... để tiết kiệm thời gian và chi phí./.
 

 

Việt Nga