
Trung tâm cũng đã thực hiện hỗ trợ đào tạo các nghề sản xuất mây xiên và mây tre, nón lá, cơ khí cho lao động trên địa bàn từ nguồn kinh phí của địa phương. Đồng thời tư vấn và hỗ trợ 19 đơn vị, với số tiền là 939 triệu đồng đầu tư xây dựng 02 dự án may mặc; 01 dự án chế biến hải sản; mở rộng 01 xưởng đóng tàu; 07 dự án mộc mỹ nghệ; 02 dự án chế biến mũ cao su; 03 dự án cơ khí tổng hợp; 02 dự án phân bón và 01 dự án sản xuất gạch block. Trung tâm cũng chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh về phát triển công nghiệp nông thôn; Tuyên truyền về các giải pháp áp dụng trong sản xuất cũng như thông tin khoa học công nghệ tiên tiến, ngành nghề mới...
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được công tác tổ chức đào tạo ngành nghề nông thôn cho người dân cũng còn chưa đem lại nhiều kết quả tích cực. Phần lớn lao động trên địa bàn chưa được qua đào tạo nghề, trang thiết bị kỹ thuật hạn chế, một số dự án sản xuất và đào tạo nghề được hỗ trợ vốn khuyến công chưa phát huy được hiệu quả, sản xuất chưa ổn định, chất lượng và giá trị hàng hoá còn thấp, chưa tạo ra những mặt hàng chủ lực mang tính đặc trưng, thị trường tiêu thụ hẹp. Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nghệ nhân ít, vấn đề bao tiêu sản phẩm do bà con làm ra sau khi học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Người dân chậm thay đổi nhận thức về ngành nghề, còn mang nặng tập quán sản xuất nhỏ, đơn lẻ, khép kín và thuần nông, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh vẫn chưa biết đến chính sách hỗ trợ của Tỉnh và Trung ương. Đặc biệt, một số cấp, ngành còn xem nhẹ nhiệm vụ phát triển công nghiệp nông thôn nên thiếu sự chỉ đạo kiên quyết, tích cực dẫn đến phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa thống nhất trong cách lựa chọn các đề án khuyến công, phương thức triển khai chưa đồng bộ, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc..
Năm 2012, để công tác phát triển công nghiệp nông thôn của Quảng Bình mang nhiều hiệu quả, thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, Trung tâm Khuyến công và XTTM Quảng Bình xây dựng các giải pháp, gồm: Xây dựng và ban hành Chính sách khuyến khích phát triển Công Thương giai đoạn 2011-2016 và định mức hỗ trợ Khuyến công để công tác thẩm định và hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở được thuận lợi; Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh để mọi người hiểu rõ, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nông thôn; Xây dựng kế hoạch khuyến công, xúc tiến thương mại mang tính dài hạn, tập trung triển khai thực hiện những nội dung có thế mạnh; Tổ chức tham quan, học tập, tìm hiểu thị trường và du nhập phát triển các ngành nghề mới mà địa phương có lợi thế về nguyên liệu, lao động và thị trường tiêu thụ; Tích cực tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của cơ sở, để tuyên truyền vận động và tư vấn hướng dẫn cho các chủ doanh nghiệp về pháp luật, khởi sự doanh nghiệp, kỹ thuật công nghệ, thông tin kinh tế, thị trường, giá cả.... Chú trọng công tác phối kết hợp giữa Trung tâm Khuyến công với các phòng ban của Sở và phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, đơn vị đào tạo nghề tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và Tỉnh, giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh nhận thức được những thuận lợi từ chương trình khuyến công mang lại.
Lan Anh