Ngày 08/02/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 255/2012/QĐ-UBND Quy định chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh.


Chính sách hỗ trợ đối với cơ sở phải di dời

 

Các cơ sở khi di dời đến địa điểm mới trong các khu, cụm công nghiệp sẽ được hỗ trợ một phần tiền thuê lại đất phải nộp tính cho từng năm trong 5 năm đầu. Diện tích đất được hỗ trợ bằng diện tích đất đang sử dụng tại cơ sở cũ với mức hỗ trợ bằng 40% tiền thuê lại đất tại các khu, cụm công nghiệp.

 

Khi di dời, các cơ sở được hỗ trợ chi phí tháo dỡ nhà xưởng, thiết bị dọn dẹp mặt bằng và vận chuyển, lắp đặt tại địa điểm mới. Mức hỗ trợ tối đa là 500.000 đ/m2 nhà xưởng, mức hỗ trợ này được nhân với hệ số trượt giá hàng năm của Tổng cục Thống kê công bố. Các cơ sở tự nguyện di dời trước thời hạn được nhân với 150% hệ số trượt giá hàng năm. Cơ sở di dời không thuê lại đất, chỉ thuê nhà xưởng, được hỗ trợ một lần tiền thuê nhà xưởng. Mức hỗ trợ là 300.000 đồng/m2 (bao gồm cả tháo dỡ, vận chuyển lắp đặt thiết bị), tính theo diện tích nhà xưởng tại địa điểm cũ nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở.

 

Các cơ sở di dời khi vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở mới sẽ được hỗ trợ lãi suất vốn vay sau đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 24 tháng, với tổng số vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa bằng 50% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ sở tại địa điểm mới.

 

Các cơ sở khi di dời phải tạm ngừng sản xuất còn được hỗ trợ một lần để chi trả tiền lương cho người lao động có thời gian làm việc từ đủ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, đất tại vị trí cũ của cơ sở thì cơ sở đó được sử dụng theo quy hoạch sử dụng đất, pháp luật về đất đai.

 

Chính sách hỗ trợ đối với cơ sở phải di dời nhưng tự chuyển đổi ngành nghề

 

Cơ sở tự chuyển đổi ngành nghề được tỉnh hỗ trợ kinh phí tháo dỡ thiết bị, dọn dẹp, cải tạo lại mặt bằng nhà xưởng. Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/m2 nhà xưởng, mức hỗ trợ này được nhân với hệ số trượt giá hàng năm của Tổng cục Thống kê công bố. Các cơ sở tự nguyện chuyển đổi ngành nghề trước thời hạn được nhân với 150% hệ số trượt giá hàng năm. Đồng thời, UBND tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động chuyển đổi nghề: hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn ban đầu (dạy nghề từ 3 tháng trở xuống) bằng 50% mức lương tối thiểu chung/tháng. Trường hợp đào tạo trên 3 tháng thì mức hỗ trợ không quá 1,5 lần mức lương tối thiểu chung/khóa đào tạo.

 

Chính sách hỗ trợ đối với cơ sở thuộc diện di dời nhưng tự chấm dứt hoạt động sản xuất

 

Cơ sở thuộc đối tượng di dời nhưng tự chấm dứt hoạt động sản xuất, được hỗ trợ một lần với mức hỗ trợ là 300.000 đồng/m2 nhà xưởng tại thời điểm chấm dứt hoạt động sản xuất nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Với lao động có đóng bảo hiểm xã hội, khi cơ sở thuộc diện phải di dời chấm dứt hoạt động sản xuất thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp và các quy định khác của pháp luật. Nếu người lao động có nguyện vọng học nghề thì mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn ban đầu (dạy nghề từ 3 tháng trở xuống) bằng 50% mức lương tối thiểu chung/tháng. Trường hợp đào tạo trên 3 tháng thì mức hỗ trợ không quá 1,5 lần mức lương tối thiểu chung/khóa đào tạo. Người lao động có trên 12 tháng làm việc tính đến thời điểm nghỉ việc, được hỗ trợ 50% mức tiền lương tối thiểu vùng trong thời gian 03 tháng.

 

Các chính sách hỗ trợ trên được thực hiện trong vòng 5 năm, kể từ ngày 1/1/2012 đến hết 31/12/2016. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể) đang hoạt động từ trước ngày 1/1/2012, thuộc diện di dời theo quyết định của UBND các huyện, thị xã, thành phố nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg và chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất hiện đang sử dụng đất ở, đất vườn để sản xuất (trừ trường hợp lấn chiếm) được thụ hưởng chính sách này.

 

 Chi tiết Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND xem tại đây

 

AIP