
Từ nhiều thanh gỗ cùng độ dày, có thể khác về kích thước dài, rộng, được ghép song song với nhau. Gỗ ghép được nối ghép liên kết từ nhiều thanh gỗ, ở hai đầu được xẻ theo hình răng lược, tráng keo và ghép lại thành những thanh có chiều dài bằng nhau, rồi tiếp tục ghép song song các thanh thành tấm gỗ có bề mặt dài, rộng theo yêu cầu. Mô hình gỗ ghép thanh này, tận dụng tối đa các mẩu gỗ thừa, tiết kiệm được nguồn nguyên liệu, lượng mùn cưa và phoi bào được dùng cho lò đốt sấy…
Đây là dây chuyền sản xuất mới theo công nghệ của Nhật Bản. Bên cạnh đó, Công ty đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp thêm thiết bị máy móc, đủ năng lực sản xuất sản phẩm ván ghép thanh xuất khẩu lên 2000m3/năm, với tổng chi phí đầu tư cho đề án là 10 tỷ đồng. Trong đó kinh phí khuyến công quốc gia năm 2013 hỗ trợ 250 triệu đồng.
Theo ước tính của Công ty chế biến lâm sản Quảng Ninh, khi đưa mô hình vào sản xuất sẽ đạt doanh thu khoảng 21.7 tỷ đồng/năm, ước tính lợi nhuận đạt 720.7 triệu đồng. Góp phần tích cực vào tiêu thụ 6.000 m3 gỗ rừng trồng/năm, phục vụ phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với sự phát triển của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đề án đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện việc làm cho thêm 57 lao động của địa phương, nâng tổng số lao động lên 125 người, với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Số lao động này sẽ được kèm cặp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật để có đủ kỹ năng đảm nhiệm công việc. Hiện nay, nội thất làm từ ván ghép thanh đã trở nên khá phổ biến ở hầu hết các đô thị lớn và các tỉnh công nghiệp phát triển. Ván ghép thanh có nhiều tính năng ưu việt như: Không bị mối mọt, co ngót, cong vênh; sản phẩm đa dạng phong phú, bề mặt được xử lý nên có độ bền mầu tốt, có khả năng chịu va đập và chống xước cao. Tính ưu việt nổi trội hơn cả là ván ghép thanh được sản xuất chủ yếu từ gỗ khai thác rừng trồng, gỗ tận dụng nên đây thực sự là một loại vật liệu thay thế hoàn hảo trong lĩnh vực vật liệu nội thất trong khi nguồn gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm, đáp ứng được tính bền vững trong phát triển kinh tế – xã hội.
Lê Sỹ Trình