Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ, Viện Dệt May, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và lãnh đạo một số doanh nghiệp ngành Dệt May. Hiện cả nước có 5.982 doanh nghiệp Dệt May. Đây là ngành đóng góp 8% GDP và là một trong những ngành đi đầu trong xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đánh giá chung, ngành Dệt May nước ta có lực lượng lao động dồi dào, kỹ năng và tay nghề tốt. Công nghệ và thiết bị ngành May đã được hiện đại hóa 95%, các sản phẩm may mặc có chất lượng ở phân khúc trung bình khá và có tính cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, công nghệ hỗ trợ ngành Dệt May còn yếu, phần lớn vải và phụ kiện may mặc còn phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Đa phần còn sản xuất mô hình gia công, giá trị gia tăng còn thấp. Trong khi đó, công tác thu thập, phân tích, cung cấp thông tin chuyên ngành, thị trường trong nước và thế giới chưa kịp thời; kỹ năng thiết kế, phát triển sản phảm còn hạn chế, v.v…
Dự thảo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được đưa ra khi Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt may đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã thực hiện được 5 năm. Trong thời gian tới, ngành Dệt May thế giới có xu hướng dịch chuyển nhanh đến các quốc gia có lợi thế về nguồn nhân lực, giá gia công thấp. Dự báo trong 10 năm tới, ngành Dệt May nước ta vẫn có lợi thế để phát triển. Đây vẫn sẽ là ngành thu hút đông lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành Dệt May đã có những chuyển biến tích cực. Từ một ngành ít tên tuối trên bản đồ Dệt May thế giới, hiện Việt Nam đã đứng trong Top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Sự phát triển của ngành Dệt May đã góp phần giải quyết an sinh xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động.
Tại buổi Hội thảo này, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đề nghị, Dự thảo Quy hoạch cần được xây dựng trên nền của Quy hoạch đã có trước đây. Các ý kiến góp ý cần tập trung xoay quanh các vấn đề như: đánh giá hiện trạng ngành Dệt May; quan điểm phát triển; định hướng phát triển; mục tiêu tổng quát; mục tiêu ưu tiên và các giải pháp thực hiện.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương